Câu chuyện chấm dứt hợp tác giữa công ty Ba Huân và Quỹ đầu tư VinaCapital đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi công ty Ba Huân với sản phẩm là trứng sạch, thịt gia cầm vốn được đánh giá là một trong những doanh nghiệp cung cấp trứng và thịt gia cầm hàng đầu Việt Nam.
Ít ai biết, công ty Ba Huân bắt nguồn từ một vựa trứng nhỏ có tên Ba Huân tại TP.HCM từ năm 1982 của bà Phạm Thị Huân (tức Ba Huân). Số vốn đầu tiên là 200 triệu đồng được bà Ba Huân và gia đình tích cóp hàng chục năm. Công việc chủ yếu của bà Ba Huân và một số thành viên là thu mua trứng từ vùng ĐBSCL về giao cho các chợ đầu mối trong trung tâm thành phố. Năm 1985, bà Ba Huân nâng cấp vựa trứng lên thành Cơ sở thu mua và phân phối trứng gia cầm Ba Huân với số vốn 400 triệu đồng. Năm 2000, cơ sở thu mua và phân phối trứng gia cầm Ba Huân chính thức đổi tên thành Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân với số vốn điều lệ gần 10 tỷ.
|
Bà Ba Huân đã đạt được nhiều thành công khi tìm hướng đi cho trứng sạch. Ảnh: Sài gòn giải phóng. |
Khó khăn đầu tiên của công ty là đại dịch cúm gia cầm H5N1 “quét” qua khiến Ba Huân liêu xiêu, 6 tỷ bốc hơi nhanh chóng chỉ trong vài tháng vì số lượng lớn trứng thu mua về phải tiêu hủy toàn bộ. Bản thân nữ giám đốc Ba Huân phải đi nhiều nước trên thế giới để tìm hướng đi cho những trái trứng và bà đã tìm thấy công nghệ bảo đảm trứng sạch tại Moba (Hà Lan). Được sự giúp đỡ của hãng Moba, năm 2005, bà đầu tư dây chuyền xử lý trứng sạch hoàn toàn tự động với công suất 65.000 trứng/giờ.
Năm 2009 mở rộng công suất, lắp đặt dây chuyền xử lý trứng sạch thứ 2 có công suất 120.000 trứng/giờ. Địa bàn hoạt động của công ty chủ yếu ở miền Nam, miền Tây như TP.HCM, Bình Dương, Long An… Tới năm 2016, Ba Huân quyết định Bắc tiến, xây dựng nhà máy xử lý, chế biến trứng công nghệ cao quy mô 2 ha, tổng vốn đầu tư trên 110 tỷ đồng tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
|
Nhà máy xử lý trứng của công ty Ba Huân tại Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Lao động Thủ đô. |
Tính tới thời điểm hiện tại, Ba Huân có một trang trại chăn nuôi gà lấy trứng quy mô 18ha, tổng đàn trên một triệu con tại Bình Dương; một trang trại gà lấy thịt quy mô 34ha, tổng đàn trên 5 triệu con tại Long An. Về cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có một nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương, hai nhà máy xử lý trứng gia cầm tại TP HCM và Hà Nội; một nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An.
Không chỉ kinh doanh ở trong nước, Ba Huân đã có những chiến lược chinh phục thị trường nước ngoài như Singapore, Malaysia, Hồng Kông… bằng các sản phẩm trứng muối và trứng bắc thảo...
|
Sản phẩm của Ba Huân đã có mặt trên thị trường quốc tế. Ảnh: Internet. |
Năm 2018, khi có kế hoạch hợp tác với VinaCapital và được quỹ này rót vốn, công ty này sẽ mở thêm trang trại chăn nuôi, mở rộng nhà máy chế biến thực phẩm. Trong đó, công ty sẽ đầu tư mới dự án trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao 50 ha ở Long An với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Bà Huân từng tiết lộ theo lộ trình đầu tư, VinaCapital còn rót thêm 300 tỷ đồng nữa để mở rộng các dự án trang trại tại Thịnh Hóa, Đức Hòa. Kỳ vọng của hai bên là có thể tăng công suất nhà máy, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và tăng công suất toàn công ty khoảng 20 - 30%.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, Công ty CP Ba Huân đã có văn bản kêu cứu lên Thủ tướng, nhờ hỗ trợ để có thể chấm dứt hợp tác với VinaCapital.
Theo đó, bà Phạm Thị Huân cho biết: Trong bản hợp đồng bằng tiếng Anh, VinaCapital đã đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%. Ngoài ra, VinaCapital cũng hạn chế ngành nghề hoạt động kinh doanh của Ba Huân, chỉ gồm sản xuất kinh doanh thịt gà, trứng gà và loại bỏ các ngành kinh doanh khác.
Đặc biệt, Quỹ đầu tư này cũng quy định, nếu Ba Huân không đạt được kết quả kinh doanh như thỏa thuận sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một quỹ đầu tư do VinaCapital chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần.
Trước những ý kiến này, chiều 7/8, VinaCapital gửi thông cáo cho biết đã quyết định dừng việc tham gia đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận cùng doanh nghiệp nhằm kết thúc thương vụ này.
Theo nhiều chuyên gia, "lùm xùm" này chứng tỏ sự thiếu chuyên nghiệp của Công ty Ba Huân trong việc hợp tác, kêu gọi đầu tư. Việc nắm không vững quy định pháp luật, thiếu thận trọng trong quy trình xét duyệt, thẩm định quá trình hợp tác cũng như chưa đánh giá rõ ràng hiệu quả đã dẫn Ba Huân và VinaCapital đến những tranh chấp không đáng có.
Ngoài ra, việc bà Ba Huân kêu cứu Thủ tướng cũng bị cho là hành động không hợp lý. "Thương vụ Ba Huân và VinaCapital là giao dịch kinh tế, thông qua hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Khi gặp vấn đề, trước tiên hai bên phải ngồi lại với nhau và xử lý dựa trên hợp đồng đã ký kết. Nếu công ty Ba Huân bị xâm phạm quyền lợi, có thể dùng cơ chế của tòa án. Khi tòa án kinh tế thấy có dấu hiệu lừa đảo, họ có thể chuyển sang tòa án hình sự. Dù bằng cách nào, doanh nghiệp cũng cần phải quen với việc dùng cơ chế của pháp luật để xử lý các tranh chấp. Cho dù quyền lợi của bà Ba Huân bị xâm phạm thì phải hành xử theo đúng theo quy định của pháp luật về kinh doanh, quy định về công ty cổ phần", Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích trên Zing.
Khôi Nguyên (Tổng hợp)