Bà Mai Kiều Liên: “Tôi không bi quan về ngành sữa“

Google News

(Kiến Thức) -“Tôi không bi quan về ngành sữa, vẫn còn cơ hội tăng trưởng, chưa bão hòa. Về ngắn hạn chỉ có điều tăng trưởng chậm nhưng vẫn là xu hướng đi lên” – bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) khẳng định.

Bà Liên cho biết, xu hướng tiêu dùng sữa của Việt Nam và thế giới hiện đang có điều đặc biệt khi có quá nhiều thứ để tiêu dùng chứ không riêng sữa. Vì thế theo thống kê của Kantar và Nielsen, ngành sữa giảm 5 - 6% trong thời gian qua, trong đó có những ngành hàng tăng và giảm, ví như ngành hàng sữa bột xu hướng giảm nhưng ngược lại sữa bột pha sẵn lại tăng, đồng thời sữa nước và sữa chua cũng đều tăng.
Đối với Việt Nam, khi quý 1/2018 đi qua thì xu hướng tiêu dùng sữa ở cả thành thị và nông thôn đều giảm. Theo bà Liên, nguyên nhân là do ảnh hưởng từ việc chứng khoán và bất động sản giai đoạn 2016-2017 bùng nổ… chính điều này khiến tất cả các nhà bán lẻ lớn không quan tâm phân phối mà chuyển sang đầu tư bất động sản. Điển hình là ngày xưa 90% chuỗi bán sỉ thì hiện chỉ còn 10-20% bán sỉ, còn lại 70-80% bán lẻ. Vinamilk thấy trước vấn đề này và đã có chiến lược tăng cường vào các điểm lẻ khi điểm sỉ không lấy hàng. Đồng thời Vinamilk cũng tung ra sản phẩm mới phục vụ nhu cầu mới.
Ba Mai Kieu Lien: “Toi khong bi quan ve nganh sua“
 

Trong xu thế nhu cầu giảm đó, Vinamilk đặt mục tiêu giảm ít hơn và phải lấy được thị phần, vì thế 9 tháng Vinamilk tăng trưởng 0.8% thị phần, trong khi kế hoạch mỗi năm chiếm 1% thị phần. Đồng thời, VNM giữ tồn kho ở mức an toàn khi 9 tháng lượng nhập vào giảm nhưng đẩy mạnh bán ra, chính vì thế tăng được thị phần.
Tuy nhiên, điểm sáng là chỉ riêng 5 ngày đầu tháng 10 mức tăng trưởng nhập vào và bán ra đều tốt, kể cả so với cùng kỳ và tháng liền trước. Các ngành hàng của Vinamilk đều tăng trưởng dương hoặc không tăng trưởng, trong khi toàn thị trường tăng trưởng âm. Điều này cho thấy tín hiệu tiêu dùng đã trở lại, hy vọng phục hồi trong quý 4 và năm 2019. Từ đó, Vinamilk cố gắng quý 4 năm nay sẽ khá hơn các năm trước nhất là việc giảm chi phí nguyên vật liệu và hoạt động thì biên lợi nhuận gộp sẽ tốt hơn so cùng kỳ và bằng hoặc thấp hơn quý 3 vừa rồi.
Vinamilk có nhiều kịch bản cho kế hoạch năm 2018 với tăng trưởng cao là 10%, trung bình 7%, thấp là 5%. Và với tình hình hiện nay, khả năng năm nay sẽ bằng với năm 2017. Năm 2019 khi xu hướng tiêu dùng tăng thì Vinamilk cũng đặt mục tiêu tăng tương ứng.
Vinamilk đã xây dựng chiến lược cách đây 2 năm, nhưng với tình hình hiện tại thì chiến lược này có thể xem xét lại cho 5 năm tới, từ 2019-2024.
“Tôi không bi quan về ngành sữa vì ngành này vẫn còn cơ hội tăng trưởng, chưa bão hòa. Chỉ có điều tăng trưởng chậm nhưng vẫn là xu hướng đi lên” – bà Liên khẳng định. Vinamilk sẽ cố gắng lấy thị phần, hiện đã chiếm 58-59%, vẫn còn dư địa 40% nữa nên vẫn còn chiến đấu, không chỉ với các đối thủ trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, thị trường Campuchia tăng đột biến
Ba Mai Kieu Lien: “Toi khong bi quan ve nganh sua“-Hinh-2
 
Với lượng tiền mặt dồi dào, nhiều nhà đầu tư thắc mắc liệu Vinamilk có đầu tư vào ngành khác trong bối cảnh ngành sữa đang chững lại. Bà Liên khẳng định Vinamilk không có ý định đầu tư vào ngành hàng khác từ số tiền dư, mà tập trung vào cốt lõi, nhất là ưu tiên sáp nhập cùng ngành kể cả trong và ngoài nước. VNM cũng không đi vay ngắn hạn đầu tư cho dài hạn vì rất rủi ro.
9 tháng 2018, xuất khẩu của Vinamilk tăng trưởng âm so cùng kỳ chủ yếu giảm ở thị trường Trung Đông, tuy nhiên khu vực này đang xu hướng tốt dần lên. Ngược lại, sản phẩm của Vinamilk tại thị trường Campuchia tăng trưởng không ngờ khi 9 tháng doanh thu tăng 121% so cùng kỳ, còn lợi nhuận gấp 7 lần, do sức mua của người dân tại đó tốt. Vì thế Vinamilk đang tăng tốc đầu tư thêm dây chuyền cho khu vực này. Hiện tổng mức đầu tư của Vinamilk vào thị trường Campuchia là 25 triệu USD và kế hoạch 5 năm tới sẽ tăng gấp đôi.
Đối với thị trường Lào, Vinamilk đã ký hợp tác với công ty liên doanh của Lào và Nhật Bản. Tổng vốn đầu tư của công ty bò sữa này là 25 triệu USD, Vinamilk nắm 51%. Sở dĩ Vinamilk đầu tư trang trại nuôi bò sữa tại Lào vì ở đây thuận lợi hơn và chi phí đầu tư thấp hơn, với 4,000 ha tại đây thì nuôi được 40,000 con bò sữa.
Ngoài ra, Vinamilk đang tăng cường đầu tư tại các thị trường nước ngoài, trong đó thành lập liên doanh tại Myanmar và sẽ áp dụng như thị trường Campuchia. Hiện tại đã xác định được đối tác nhưng còn phụ thuộc vào thời gian cấp giấy phép đầu tư.
Với thị trường Indonesia thì Vinamilk đã tiếp cận 2-3 năm nay. Đây là thị trường đông dân nhưng ngành sữa cũng đã phát triển nhưng chưa bằng Việt Nam nên tiềm năng còn rất lớn, vấn đề là phải tìm được đối tác.
Đối với thị trường Trung Quốc thì Vinamilk đang chờ Nghị định giữa Việt Nam và Trung Quốc được thông qua. Vinamilk đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho thị trường này nhiều năm nay, hiện Vinamilk đang xuất những mặt hàng không bị Nghị định cấm. Theo bà Liên, hiện Nghị định này đang bị vướng bên ngành gạo, và khả năng sẽ chấp nhận trước cho ngành sữa. Đây là thị trường tiềm năng lớn với doanh số và doanh nghiệp lớn, nhưng Vinamilk có những mặt hàng có thể cạnh tranh được và có lợi thế hơn.
Vinamilk đang cố gắng xuất khẩu vào thị trường châu Á năm sau cao hơn năm trước, và không đột biến có như Trung Đông.
PV