Chia sẻ với Zing.vn, Tôn Nữ Tường Vân, Giám đốc thương hiệu ngành nước xả vải toàn cầu của Procter & Gamble (P&G), khẳng định: "Thói quen tiêu dùng của người nội trợ ở Việt Nam và các thị trường phát triển có nhiều điểm chung nhưng cũng có những nét rất khác biệt".
Bà nội trợ Việt rất kỹ lưỡng về tiền bạc
- Phụ trách các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu, chị thấy có điểm gì khác biệt giữa khách hàng ở Việt Nam và các thị trường khó tính khác như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản?
|
Tôn Nữ Tường Vân (35 tuổi) đang là Giám đốc thương hiệu ngành nước xả vải toàn cầu của Procter & Gamble (P&G), một trong những danh mục ngành hàng lợi nhuận và tăng trưởng cao nhất của doanh nghiệp. Ảnh: Forbes. |
- Bà nội trợ ở Việt Nam tính toán rất chi ly. Trong khi những bà nội trợ Mỹ và Nhật thường chỉ so sánh giá giữa hai sản phẩm khác nhau có giá 7 USD và 8 USD thì những bà nội trợ Việt sẽ tính theo giá trên một đơn vị thể tích.
Ví dụ một chai nước xả vải 1,7 lít có giá 200.000 đồng, họ sẽ tính vậy trung bình một lít là bao nhiêu tiền và so với chai 2,3 lít có giá 250.000 đồng.
Có thể xem đây là một câu chuyện vui nhưng qua đó, chúng ta thấy được bà nội trợ Việt là những người rất trân trọng các giá trị. Nếu họ đã bỏ tiền cho một sản phẩm thì họ muốn biết rõ những gì mình nhận lại. Họ không phải những người keo kiệt nhưng họ rất kỹ lưỡng về mặt tiền bạc.
Mình phải đảm bảo được họ trả tiền cho sản phẩm của mình là điều đúng đắn, nếu không, họ sẽ nói từ chối và cho rằng cái giá đó không đáng. Nhưng một khi đã thấy nó đáng thì họ sẽ mua, giá có đắt một chút thì họ cũng chấp nhận.
- Thái độ của họ với những sản phẩm mới có điểm gì khác biệt nếu so với ở các thị trường khác?
- Ở các nước phát triển, đối với nước xả vải nói riêng và dòng sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung, người tiêu dùng sẵn sàng thử nghiệm. Khi chúng tôi tung ra các mặt hàng mới, Nhật Bản là thị trường đón nhận rất dễ dàng. Họ ngay lập tức thử và đưa ra các phản hồi về sản phẩm.
Tuy nhiên ở thị trường các nước đang phát triển như Việt Nam, những sản phẩm mới sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể xác định người tiêu dùng chấp nhận hay không.
Người nội trợ cần sản phẩm giúp họ thư thái, cân bằng
- Về xu hướng lựa chọn sản phẩm trong ngành hàng này, chị thấy có gì khác biệt so với trước đây?
- Xu hướng sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà là khắp nơi trên thế giới. Doanh nghiệp cần phải cố gắng hiểu khách hàng thật sự muốn gì và mang đến cho họ những sản phẩm mà họ đang cần.
Điều người tiêu dùng ngày nay muốn nhiều hơn là cảm giác được giải toả. Cuộc sống quá bận rộn khiến mọi người cảm thấy cần được gần gũi với môi trường để cảm thấy thoải mái hơn.
Sản phẩm mới của chúng tôi cũng nhắm vào tâm lý này. Sau ba tháng đầu tiên tung ra sản phẩm mới, công ty nhận được phản hồi rất tốt từ phía người tiêu dùng cũng như các đại lý phân phối. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Chúng tôi đã tạo ra được những sản phẩm đảm bảo an toàn, có nguồn gốc thiên nhiên. Thế nhưng làm sao để thông qua mùi hương, họ cảm thấy mình muốn gần gũi hơn với thiên nhiên là một câu chuyện khác.
- Vậy đâu là điểm chung của người nội trợ hiện đại trên những thị trường chị từng làm việc?
- Phụ nữ hiện đại cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. May mắn là xã hội giờ đã biết san sẻ công việc với phụ nữ nhiều hơn. Thế nhưng họ vẫn được kỳ vọng là người vừa biết chăm lo gia đình, vừa thành công cả công việc.
Xong xét cho cùng người phụ nữ vẫn luôn có nhu cầu được chăm sóc người khác. Điểm chung ở các thị trường trên thế giới tôi từng làm việc là bà nội trợ nào cũng muốn những sản phẩm tốt nhất cho gia đình. Ngoài ra, họ cũng muốn những sản phẩm tốt cho mình bởi càng ngày, phụ nữ càng tập trung vào bản thân hơn.
Theo Hà Bùi/Zing