Trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây, khi nhắc tới bà Lê Hoàng Diệp Thảo – vợ ông, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có vẻ trầm buồn. Ông kể ngắn gọn, súc tích về nguồn cơn mâu thuẫn giữa hai vợ chồng trong việc điều hành Trung Nguyên. Trong đó, có việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo – vợ ông đã từng giả chữ ký của ông để bán toàn bộ cổ phần của Trung Nguyên ở Singapore là Trung Nguyên International với giá 1 USD.
|
Ông Vũ trầm buồn khi nhắc tới bà Diệp Thảo - vợ ông. Ảnh: Soha. |
Theo thông tin từ Café Biz, trên thực tế, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa vụ việc tại công ty Trung Nguyên Quốc tế ra Toà án tối cao Singapore vào cuối năm 2015, đầu năm 2016.
Ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kiện bà Diệp Thảo cùng công ty Trung Nguyên với 3 nội dung, trong đó có 2 nội dung liên quan tới bà Diệp Thảo.
Thứ nhất, bà Diệp Thảo đã chuyển giao trái phép và gian lận hơn 7,5 triệu cổ phiếu của ông Vũ. Theo đơn tố cáo nêu rõ, ngày 8/7/2015, bà Thảo đã gửi một đơn chuyển nhượng cổ phần để trống từ Singapore về Việt Nam cho Lê Thị Cẩm Tú – một nhân viên của Trung Nguyên, rồi nhờ bị đơn này đóng dấu bằng con dấu của ông Vũ mà không được phép. Sau đó Tú đã chuyển mẫu đơn đã đóng dấu về Singapore cho bà Thảo. Bà Thảo sau đó dùng mẫu đơn để thực hiện giao dịch cổ phần dưới danh nghĩa người mua. Trong khoảng thời gian từ ngày 8/7 đến ngày 10/7, chữ ký của ông Vũ trên giao dịch cổ phiếu đã bị giả mạo bởi một trong (hoặc cả) ba người liên quan, gồm có bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Thứ hai, Trung Nguyên và ông Vũ cáo buộc vào ngày 16/10/2015, bà Thảo, Tú, Vân và hai người nữa chưa được xác định đã đột nhập vào trụ sở văn phòng của nguyên đơn tại Việt Nam và lấy cắp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu của nguyên đơn và các công ty liên kết, bao gồm cả Nhà máy cà phê Sài Gòn.
Theo nguyên đơn, bà Thảo đã sử dụng sai mục đích những con dấu bị đánh cắp này để bổ nhiệm mình làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc của cả Tập đoàn Trung Nguyên và Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên - cổ đông nắm giữ 70% cổ phần của Tập đoàn Trung Nguyên.
Hơn nữa, bà Thảo đã sử dụng con dấu của CTCP cà phê hoà tan Trung Nguyên để phá vỡ hoạt động kinh doanh tại đây bằng cách tự ý cho đóng cửa hai nhà máy từ ngày 9/12 tháng 11/2015 và vào tháng 3/2016, cấm nhân viên chủ chốt ra vào vào nhà máy và cản trở việc giao hàng.
|
Trên thực tế, ông Vũ đã kiện bà Thảo ra Tòa án tối cao Singapore. Ảnh: Internet. |
Tòa án Tối cao Singapore kết luận do vụ việc có nhiều tình tiết xảy ra tại Việt Nam, nhiều tranh chấp đang được giải quyết tại Việt Nam, cũng như phần lớn các bên liên quan đều ở Việt Nam, nên tòa án Việt Nam sẽ là nơi thích hợp hơn để hai bên giải quyết xung đột. Tòa Singapore sẽ mở lại để giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào quá trình của các vụ việc, liên quan được phân xử tại tòa Việt Nam.
Riêng với phần cổ phần đã được chuyển giao sang bà Thảo, tòa Singapore áp dụng biện pháp hạn chế giao dịch, cho tới khi có các kết luận tại tòa Việt Nam.
Vụ kiện kéo dài trong hơn 1 năm, kết quả tòa án nhân dân TP.HCM xử ông Vũ thắng kiện, đòi lại được con dấu.
Theo Nhịp sống Kinh tế, chia sẻ tại buổi gặp gỡ, ông Vũ nói, vì những đứa con nên ông đã can ngăn, không cho luật sư làm đến cùng những phi vụ mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nhúng tay, trong đó có vụ việc bà Diệp Thảo giả chữ ký của ông và thực hiện các giao dịch cổ phiếu của Trung Nguyên ở Singapore. Ông nói "Ở Singapore luật nghiêm lắm, làm giả chữ ký là đi tù nhưng mà Qua nói luật sư đừng làm vậy. Mấy anh em nhiều khi giận quá, muốn cho ở tù luôn là xong nhưng mà Qua không để như vậy, không nên. Qua còn những đứa con, để Qua chịu hết".
Tuy nhiên, bà Diệp Thảo chưa bao giờ thừa nhận những cáo buộc này của ông Vũ. Mới đây nhất, ngày 16/8, trên trang Facebook cá nhân của mình, một lần nữa bà phản bác lại cáo buộc này. Bà viết: "...Tôi sẽ bắt đầu từ cái gọi là “giả chữ ký” và “cướp con dấu” của Trung Nguyên – những động từ được lựa chọn rất khéo để tung ra nhằm miêu tả tôi - người vợ luôn đau đáu vì gia đình và công ty của chính mình - như một người gian lận và ăn cướp...Tôi là đồng sáng lập và đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên. Chẳng có lý do gì để tôi gian lận và ăn cướp tài sản của chính mình...".
Khôi Nguyên (Tổng hợp)