Vào năm 1938, cậu thanh niên vừa mất cha, đã dùng số tiền thừa kế từ gia đình của mình để thành lập một công ty vận tải hàng thủy sản, cá, rau quả trên bán đảo Triều Tiên và thậm chí qua đến Mãn Châu và Bắc Kinh.
Thay vì dùng tên riêng của mình đặt tên cho công ty, ông Lee Byung-chull, một công dân bình thường ở Hàn Quốc, đã chọn Samsung làm tên cho doanh nghiệp mình, với ý nghĩa là ba ngôi sao.
Hóa ra đó lại là một điềm báo may mắn, ít nhất là cho hai thế hệ lãnh đạo đầu tiên của công ty.
Ngôi sao thứ 3
"Ngôi sao" thứ ba, Lee Jae-yong, nhà lãnh đạo 49 tuổi của Samsung, vừa mới bắt đầu tỏa sáng thì hào quang của ông đã dần bị dập tắt. Nhưng theo South China Morning Post, ánh sáng vẫn có thể xuất hiện từ người đàn ông trẻ ấy.
Các doanh nghiệp gia đình ở Trung Quốc và khắp Châu Á có rất nhiều điều để học hỏi từ những biến cố ồn ào xung quanh vụ kết án gần đây đối với nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của gia đình họ Lee.
Vào ngày 25 tháng Tám, tòa án Hàn Quốc đã kết án ông Lee 5 năm tù vì tội hối lộ cựu tổng thống nước này. Theo một cuộc điều tra toàn diện, Ủy ban ba thẩm phán đã buộc tội ông Lee khi ông đã chiếm đoạt tài sản của Samsung, giấu tài sản ở nước ngoài, che giấu lợi nhuận thu được từ hành vi phạm tội và khai man.
Các công tố viên đã đề nghị một án tù 12 năm, nhưng thẩm phán đã quyết định kết án ở mức tối thiểu bắt buộc. Bản án vẫn chưa kết thúc, vì các luật sư của Lee Jae-yong đã kháng cáo quyết định này. Ông Lee sẽ ở lại nhà tù Seoul, cho đến khi Toà án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết cuối cùng, dự kiến sẽ vào tháng Một năm sau.
Sự thay đổi kỳ lạ của những biến cố trên có vẻ không liên quan đến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp gia đình bên ngoài Hàn Quốc, vì đây là quốc gia duy nhất trên thế giới, nơi quyền lực kinh tế tập trung trong tay các tập đoàn gia đình thường được gọi là Chaebo
Bài học cho các công ty gia đình
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng kế nhiệm của gia đình Lee có thể để lại những bài học quý giá cho các doanh nghiệp gia đình khác.
|
Ông Lee Jae Yong. Ảnh: BBC. |
Vào đầu tháng 5 năm 2014, chỉ ba năm trước khi bị xét xử và kết án, ông Lee nhận được tin chấn động rằng cha của ông, Lee Kun-hee phải chịu một cơn đau tim rất nặng, khiến ông hoàn toàn mất hết khả năng. Cùng với mẹ và hai em gái, ông vội vã tới giường bệnh. Nhưng người người cha lâm bệnh đã không thể để lại lời khuyên nào.
Kể từ đó, nhà lãnh đạo tài năng thuộc thế hệ thứ hai của Samsung đã được chăm sóc tại Trung tâm Y tế Samsung ở Seoul, một bệnh viện mà gia đình đã xây dựng và sở hữu. Đó là một mất mát to lớn đối với người thừa kế trẻ, người mà kể từ khi sinh ra đã luôn kính trọng nhà lãnh đạo công nghiệp vĩ đại, người đã biến Samsung thành một tập đoàn quyền lực tầm cỡ toàn cầu trong suốt nhiệm kỳ 50 năm của mình.
Người con trai duy nhất của Lee Kun-hee bỗng dưng bị buộc phải thay thế vị trí của cha mình, một bước tiến mà người thừa kế vốn kín tiếng này chỉ mới bắt đầu chuẩn bị.
Bai hoc tu khung hoang ke vi cua Samsung hinh anh 2
Thật không may, Lee Jae-yong không còn lựa chọn nào khác. Samsung, công ty lớn nhất của Hàn Quốc, có doanh thu chiếm tới 20% doanh thu của cả nước. Ông ấy không thể rời khỏi đế chế mà cha và ông nội mình đã gây dựng nên, bỏ mặc Samsung cũng như hàng trăm ngàn nhân viên không có người lãnh đạo.
Lee và những người tiền nhiệm đã điều hành doanh nghiệp của mình gắn liền với các đạo đức kinh doanh: điều đó được thể hiện ở sự trung thành của họ với các cổ đông, lòng quyết tâm trụ vững công ty dựa vào các sản phẩm sáng tạo, khả năng đáp ứng các mục tiêu dài hạn hơn là ngắn hạn.
Và họ luôn chuẩn bị tương lai của công ty một cách thật chỉn chu cho thế hệ kế tiếp.
Các nguyên tắc hoạt động này đã phát triển rất mạnh dưới quyền điều của nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai Lee Kun-hee.
Lee Jae Yong đã nhận thấy rõ quyền làm chủ và kiểm soát của mình đối với Samsung trong tương lai, như một thứ quyền lực vô hình đã được dự đoán từ trước.
Tuy nhiên, thứ thiếu sót ở đây là một kế hoạch dài hạn. Chính điều này đã vô tình đè nặng áp lực lên người thừa kế và làm cho những đạo đức kinh doanh mà các thành viên trong gia đình họ Lee đã tạo dựng nên cho Samsung, dần biến mất.
Nói một cách công bằng thì Lee Kun-hee đã bắt đầu quá trình đào tạo người kế nhiệm vài năm trước khi ông bị đau tim. Với khả năng lãnh đạo vượt bậc của mình, có lẽ ông cho rằng không cần 20 đến 30 năm để lên kế hoạch cho công ty, mà thường thì đây là thời gian cần có dành cho các doanh nghiệp gia đình quy mô vừa để sống sót qua giai đoạn kế vị.
Toàn cảnh đế chế điện tử Samsung
Được gọi là “Nước cộng hòa Samsung”, tổng tài sản của đế chế này chiếm tới 20% GDP Hàn Quốc. Riêng doanh thu từ xuất khẩu của hãng chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Cho dù thế nào đi nữa, Lee Jae Yong có lẽ đã quá thiếu kiên nhẫn với chuỗi thay đổi của các biến cố xung quanh khi mà tình hình sức khỏe của cha ông vẫn không có dấu hiệu phục hồi. Ông biết mình cần phải làm điều gì đó nhưng trong hoàn cảnh này ông hay các cố vấn dường như bắt đầu đưa ra những quyết định đặc biệt.
Để thắt chặt sự quản lý của Jae Yong đối với công ty, ý tưởng sáp nhập Cheil Industries với Samsung C & T xuất hiện một năm sau khi cơn đau tim của cha ông. Lee sẽ có được sự kiểm soát mà ông cần để đảm bảo kì kế nhiệm của mình, vì C & T sở hữu một khối lượng lớn cổ phần trong Samsung Electronics, và là viên ngọc quý trong đế quốc này.
Nhưng cuối cùng đó lại là thỏa thuận đã đưa đưa ông ta vào tù vì các biện pháp bất hợp pháp đã được sử dụng để việc sáp nhập được chấp thuận bởi các cổ đông chính của C & T, quỹ hưu trí công của Hàn Quốc.
Nhiều cổ đông phản đối việc sáp nhập bởi giữa hai công ty không hề có điểm chung, họ đã vô hiệu hóa mọi mệnh lệnh chiến lược hay các lý do kinh tế biện minh cho việc hợp nhất.
Ngoài ra, mức giá mà Lee đưa ra đã hạ thấp giá trị của hai công ty, khiến cho Paul Elliott Singer vô cùng tức giận.
Singer là một nhà quản lý quỹ phòng hộ, và là người sáng lập Elliott Management, một trong những quỹ phòng hộ lâu đời nhất ở phố Wall. Ông đã mua 7,1% cổ phần trong C & T ngay trước khi việc sáp nhập được công bố và đã ra sức thuyết phục mọi người hãy nghe ông ta, rằng thỏa thuận này thực sự là một điều điên rồ.
Phản ứng lại với hành động này, Samsung đã sản xuất hàng loạt phim hoạt hình về Elliott nhằm hủy hoại danh tiếng của ông, một động thái mà sau này công ty đã phải lên tiếng xin lỗi.
Sau khi vụ sáp nhập kết thúc, gia đình Lee sở hữu khoảng 5% tổng số cổ phần của Samsung, nhưng kiểm soát tập đoàn Chaebol này thông ua một mạng lưới phức tạp về quyền sở hữu.
Trong khi đó, sự vắng mặt của Lee Jae Yong đã không kìm hãm được giá cổ phiếu của Samsung Electronics. Kể từ khi ông Lee bị giam giữ vào cuối tháng 2, giá cổ phiếu này đã tăng 34%.
Samsung Electronics, đóng góp khoảng ba phần tư tổng doanh thu cho cả tập đoàn, được quản lý bởi ba CEO hàng đầu, từng người trong số họ chịu trách nhiệm 3 mảng kinh doanh chính, điện thoại thông minh, thiết bị điện tử tiêu dùng và vi mạch. Nếu có điều gì xảy ra, thì các hoạt động mua lại và sáp nhập của Samsung sẽ bị trì hoãn, vì các giám đốc điều hành, không phải là thành viên trong gia đình Lee, sẽ thiếu thẩm quyền để thực hiện các khoản đầu tư quy mô lớn.
Lee Jae Yong sẽ được thả tự do vào một ngày nào đó trong tương lai sắp tới. Thời gian sau song sắt có thể giúp ông chín chắn hơn và ông sẽ lại có một cuộc sống mới ngay khi ra tù.
Mẹ và hai em gái đã đến thăm ông trong thời gian lĩnh án, ngầm thừa nhận rằng ông mới là người lãnh đạo thực sự.
Tuy nhiên, cảnh ngộ hiện giờ của ông lại mang tới cho các doanh nghiệp gia đình bài học về sự cần thiết của việc chú tâm hơn tới các kế hoạch dài hạn hoặc nếu không thì sẽ có nguy cơ trải qua cách kế vị kiểu nhà Lee.
Theo Linh Duyên/Zing