Hậu quả, hiện nay nhiều hộ dân đã bị thua lỗ nặng, có hộ đã phải bán đất để trả nợ.
Giá giảm mạnh
“Thay vì từ 43.000 - 45.000 đồng/kg, giá cá lóc hiện nay được thương lái thu mua ở xã Phú Thành và xã Lục Sĩ thuộc huyện Trà Ôn (nơi có quy mô nuôi cá lóc lớn nhất tỉnh Vĩnh Long) chỉ từ 24.000 - 25.000 đồng/kg. So với giá thành sản xuất (bình quân khoảng 30.000 đồng/kg) thì người dân đã thua lỗ nặng” - ông Trần Thanh Hải, ngụ ở ấp Mái Dầm, xã Phú Thành cho biết. Từ cuối năm 2016 đến nay, giá cá lóc tuột dốc mạnh, người nuôi không kịp trở tay.
|
Do nuôi cá lóc theo phong trào, khiến ông Trần Văn Tuấn lỗ nặng. Ảnh: H.X |
Theo Phòng NNPTNT huyện Hồng Ngự, phần lớn diện tích nuôi cá lóc trên địa bàn huyện là nhỏ, lẻ. Do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu không nhiều nên dẫn đến thua lỗ. Hiện nay, nhiều hộ dân đã chọn cách bỏ ao, không nuôi tiếp hoặc chuyển sang nuôi cá tra.
“Tôi có 2 ao nuôi cá lóc với tổng diện tích khoảng 2.000m2. Đầu năm 2016, tôi bán được 45 tấn với giá chỉ 26.000 đồng/kg, lỗ 180 triệu đồng. Để có tiền nuôi cá tiếp, tôi thế chấp 1,6ha đất vườn vay 500 triệu đồng. Đến nay, đàn cá đã đến lúc phải thu hoạch nhưng thương lái chỉ mua giá 25.000 đồng/kg. Nếu bán đàn cá trên, tôi sẽ tiếp tục lỗ hơn 200 triệu đồng nên quyết định neo thêm chờ giá lên” – ông Hải chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Tuấn (ngụ ấp Mái Dầm), thấy nhiều hộ đào ao nuôi cá lóc, ông đã đào 2 ao nuôi cá hết 1.200m2 trong tổng số 5.000m2 đất vườn. Không may, trong năm 2016, sau vài tháng thả nuôi, ông lỗ gần 100 triệu đồng vì giá cá chỉ được 24.000 đồng/kg. Trước tình cảnh trên, ông Tuấn phải bán 2.000m2 đất để trả nợ và đầu tư nuôi tiếp với hy vọng gỡ gạt. Tuy nhiên, giá cá vẫn không tăng và hiện chỉ 25.000 đồng/kg. “Giá không tăng nên tôi đã quyết định chưa bán và cố neo lại chờ thời gian nữa xem sao. Nếu lỗ đợt này nữa, chắc tôi phải bán hết luôn” - ông Tuấn buồn rầu kể.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, xã Phú Thành và xã Lục Sĩ, 2 xã hiện có gần 80 hộ dân nuôi cá lóc. Do giá cá giảm nên người dân nơi đây đã thua lỗ 2 vụ liên tục. Trong đó, có nhiều hộ thiếu nợ ngân hàng không còn khả năng trả. Thậm chí có người bán đất để trả nợ vay mượn.
Không riêng vì huyện Trà Ôn, nhiều hộ nuôi cá lóc ở các địa phương như Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang… cũng ngậm “trái đắng”. “Treo ao hết rồi. Tình trạng này xảy ra nhiều vào những tháng gần đây khi giá bán ra giảm liên tục, người dân không còn vốn tái sản xuất vụ sau” – ông Nguyễn Văn Buol – Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp thông tin với phóng viên NTNN về tình trạng nuôi cá lóc tại địa phương.
Hệ quả do nuôi tự phát
Theo lãnh đạo các địa phương, phần lớn nguyên nhân dẫn đến việc giá cá bán ra giảm liên tục là vì nguồn cung tăng từ việc người dân nuôi tự phát. Ông Nguyễn Chí Cường – cán bộ nông nghiệp xã Phú Thành cho biết, do trước đây giá cá lóc tăng cao, một số nơi thu lợi nhiều nên sau đó việc thả nuôi loại cá này trở thành phong trào rầm rộ trên địa bàn xã. Mặc dù, là xã cù lao, nhưng do nuôi tự phát, nguồn nước ô nhiễm nên đàn cá thường xảy ra dịch bệnh, làm tăng thêm chi phí nuôi.
“Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, ngành chức năng địa phương đã hỗ trợ cho máy sấy để làm khô cá lóc bán dần. Dù vậy, việc tiêu thụ loại khô cá này cũng chưa nhiều, thương hiệu vẫn chưa có” - ông Nguyễn Minh Thuấn – Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Trà Ôn cho biết.
Ông Buol cho biết thêm: “Cung cầu không cân bằng nên đẩy giá cá xuống nhiều. So với giá thành sản xuất, 1kg cá lóc bán ra người dân lỗ trên 10.000 đồng. Ngoài ra, do thời tiết thay đổi, nguồn nước bị ô nhiễm nên ngoài việc giá giảm, người dân còn gặp nhiều khó khăn khi nhiều ao nuôi đã xảy ra tình trạng cá chết. Đây là bài học đắt giá, hy vọng người dân không còn nuôi cá theo phong trào, nằm ngoài quy hoạch, không liên kết đầu vào - đầu ra như thời gian qua nữa”.
Theo Huỳnh Văn/ Dân Việt