Theo đó, chương trình tiêu thụ nông sản Hải Dương với mức giá 1.000 đồng/kg, không giới hạn số lượng, đồng giá vận chuyển chỉ còn mức 9.000 đồng/đơn hàng trong toàn bộ khu vực Hà Nội. Dự kiến, trong ngày đầu tiên, lượng sản phẩm nông sản từ Hải Dương được tiêu thụ là 10 tấn gồm bắp cải, su hào, cà chua và trái cây.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết, Cục phối hợp với Sendo tiến hành mở các gian hàng quốc gia “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại" nhằm trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và từng bước hướng dẫn doanh nghiệp tự chủ trong các hoạt động thương mại điện tử .
Trước mắt, gian hàng tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các sản phẩm nông sản trong và sau thời kỳ dịch bệnh. Các địa phương có nhu cầu hoàn toàn có thể đăng ký với Cục để được hỗ trợ thông tin và cùng đồng hành triển khai hoạt động.
Bắp cải, cà chua lên sàn chỉ 1 nghìn đồng/kg.
Với tỉnh Hải Dương, mặt hàng chủ đạo trong chương trình này bao gồm bắp cải, su hào và cà chua. Sản phẩm nông sản khác từ các địa phương sẽ từng bước được kết nối và đưa lên gian hàng Xúc tiến thương mại cấp quốc gia.
Thời gian qua, Hải Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, vừa lo chống dịch vừa thực hiện các biện pháp cách ly xã hội khiến nông sản bị ứ đọng, người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều sàn thương mại điện tử khác cũng đã bắt tay vào giải cứu nông sản Hải Dương. Trên sàn Thương mại điện tử Bưu điện Việt Nam Postmart.vn, toàn bộ nông sản đều được miễn phí vận chuyển trên toàn quốc với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hải Dương và thúc đẩy các hệ thống vận chuyển thông minh phát triển.
Còn sàn Vỏ sò của Viettel Post đưa ra mức phí vận chuyển 11.000 đồng. Đơn vị này đặt mục tiêu với những đơn hàng trong phạm vi dưới 100km thì tổng thời gian từ lúc thu hoạch tới khi giao tận tay người tiêu dùng chỉ khoảng 4 giờ.
Dạy nông dân bán online
Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, Cục đang phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong và sau dịch Covid-19, nâng cao năng lực và thiết lập các kênh tiêu thụ sản phẩm mang tính chiến lược và bền vững cho tất cả các mặt hàng tiềm năng trên phạm vi toàn quốc.
|
Nông dân được tập huấn chuyển đổi số.
|
Hoạt động kết nối giữa sản xuất - phân phối - tiêu thụ theo chuỗi giá trị sẽ được quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các nhà sản xuất. Tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử sẽ được đặc biệt chú trọng theo hướng: hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp bán hàng, đồng thời nâng cao năng lực từng bước chuyển đổi số thành công.
Ông Chiến cho biết, chương trình còn hướng đến góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt là bà con nông dân, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh tại các địa phương về việc sản xuất và kinh doanh theo quy trình đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng. Kết quả là tập quán canh tác theo nhu cầu của khách hàng được hình thành, đảm bảo cho nền sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường.
Qua chương trình này, bà con nông dân và các doanh nghiệp được cập nhật và nâng cao kiến thức về về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các kỹ năng về thương mại điện tử và thương mại bền vững.
Thời gian tới, Cục sẽ phối kết hợp với Sở Công Thương và Sở NN-PTNT một số địa phương tiến hành xúc tiến sản phẩm theo các hình thức như kết nối trực tiếp trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Đồng thời, huấn luyện và đào tạo trong chuỗi cung ứng về truy xuất nguồn gốc, xúc tiến bán hàng, thương mại điện tử, xây dựng hình ảnh sản phẩm.
Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, Cục hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.
Theo Duy Anh/Vietnamnet