Bất ngờ báo lỗ, Vietravel còn tiềm lực lao vào cuộc chơi hàng không?

Google News

(Kiến Thức) - Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam bất ngờ báo lỗ hợp nhất sau thuế hơn 14,1 tỷ đồng khi mới bước chân vào thị trường hàng không khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng.

Dư luận đang chú ý đến thông tin mới đây Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2019 cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận lỗ hợp nhất sau thuế hơn 14,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi đến 7,3 tỷ đồng.
Một phần nguyên nhân đến từ việc doanh thu thuần chỉ đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 9,13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng trưởng giá vốn lên đến 10,48%. Bởi vậy, lợi nhuận gộp Vietravel lùi về 104,5 tỷ đồng, giảm gần 6% so với quý 4/2018.
Bat ngo bao lo, Vietravel con tiem luc lao vao cuoc choi hang khong?
  Hãng lữ hành Vietravel.
Tính cả năm 2019, Vietravel đạt gần 7.262 tỷ đồng doanh thu và 39,9 tỷ lợi nhuận sau thuế. Như vậy, Vietravel mới chỉ hoàn thành 84,3% mục tiêu doanh thu và 65,6% kế hoạch cả năm.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Vietravel đạt 2.279 tỷ đồng, tăng 88,8% so với đầu năm. Tuy nhiên, công ty có 2.045 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm gần 89,7% tổng nguồn vốn doanh nghiệp, trong đó có khoản trái phiếu hơn 700 tỷ đồng được Vietravel phát hành ngày 17/9/2019 để thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines.
Việc Vietravel bất ngờ báo lỗ khi mới bước chân vào thị trường hàng không khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng, đặt câu hỏi: Vietravel còn tiềm lực để tham gia thị trường hàng không khi mà ngành công nghiệp này đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đến “ông lớn” như Vingroup cũng vừa từ bỏ để tập trung vào mảng khác?
Bat ngo bao lo, Vietravel con tiem luc lao vao cuoc choi hang khong?-Hinh-2
 Bất ngờ báo lỗ, Vietravel còn tiềm lực lao vào cuộc chơi hàng không? (Ảnh minh họa).
Trước đó, cuối của năm 2019, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) của Vietravel, với quy mô 3 tàu bay A320/321, B737 hoặc tương đương trong năm đầu tiên khai thác, tăng dần đến 8 tàu bay sau 5 năm. Dự án này có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm.
Về mục tiêu kinh doanh, đại diện Vietravel Airlines cho báo giới biết hãng sẽ phục vụ hoạt động vận chuyển khách du lịch, sau đó mới nhắm đến hành khách thông thường. Hãng định hướng khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến.
Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến Vietravel Airlines sẽ mất khoảng 9 tháng thực hiện đầu tư, trước khi chính thức khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.
Đáng chú ý, trong báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đánh giá, dự án Vietravel Airlines phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Có thể thấy, cuộc chơi hàng không của Vietravel gần như đã nhận được sự đồng thuận của cơ quan quản lý. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường nội địa của ngành công nghiệp hàng không Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt giữa các “ông lớn” như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, với Vietravel mà nói cũng đang là nỗi lo ngại.
Khánh Hoài (Tổng hợp)