Tháng trước, tờ báo địa phương ở Ukraine dẫn lời cựu thị trưởng thành phố Kharkov, ông Mikhail Pilipchuk lý giải khởi nguồn thịnh vượng của vị tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng tại thành phố này.
Tờ báo này cho rằng thành phố Kharkov, Ukraine đã cấp tấm vé thông hành cho không chỉ những người đoạt giải Nobel, nhà bác học vĩ đại, nghệ sĩ nổi tiếng mà cả các doanh nhân người nước ngoài thành danh mà ông Phạm Nhật Vượng, một trong 2 tỷ phú đôla Việt Nam có tên trong danh sách người giàu thế giới 2017 là một ví dụ.
Điều này đúng không chỉ với riêng Kharkov và trường hợp ông chủ của Tập đoàn Vingroup. Rất nhiều đại gia tên tuổi trong giới kinh doanh hiện tại ở Việt Nam từng có thời gian học tập và lập nghiệp tại Đông Âu. Sau khi trở về Việt Nam, dù lối rẽ kinh doanh khác nhau, họ đều gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.
|
Ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Lê Viết Lam (Sungroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan), ông Ngô Chí Dũng (VPBank)... và nhiều đại gia Việt khác khởi nghiệp và thành danh ở Đông Âu trước khi về Việt Nam đầu tư. |
Nơi khởi nghiệp của 2 tỷ phú đôla
Cũng như ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air, nữ tỷ phú đôla tự thân đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, từng thời gian dài học tập và kinh doanh tại Đông Âu trước khi đầu tư về Việt Nam và trở thành tỷ phú đôla.
Cả ông Vượng và bà Thảo cùng du học tại Matxcova (Nga) vào năm 1987. Tuy nhiên, bà Thảo đã sớm bước chân vào thương trường sớm hơn, khi mới là sinh viên năm thứ 2. Lĩnh vực kinh doanh đầu tiên của bà là hàng điện tử và nông sản.
Thành công trên thương trường, 21 tuổi bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên từ việc buôn bán hàng điện tử và cao su tự nhiên, với phương thức như bà nói, "không buôn bán cò con. Khi người ta buôn một container hàng thì tôi đã buôn hàng trăm container". Nhiều người quen biết bà vẫn kể câu chuyện phòng hộ sinh tại bệnh viện của thành phố Matxcova, nơi bà sinh đứa con đầu lòng đã trở thành phòng họp hội đồng quản trị, nơi người phụ nữ Việt nhỏ bé được bao quanh bởi 4-5 người Nga cao lớn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Thảo trở về Việt Nam đầu tư vào bất động sản và tài chính ngân hàng. Bà là cổ đông sáng lập của Tập đoàn Sovico Holdings và 2 ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam là Techcombank và VIB.
Năm 2005, với việc mua lại khách sạn Furama Đà Nẵng, bà trở thành người Việt đầu tiên sở hữu khách sạn 5 sao. Năm 2007, bà tham gia sáng lập Vietjet Air - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Trong khi đó, con đường trở thành tỷ phú đôla của ông Phạm Nhật Vượng lại bắt đầu muộn hơn. Sau khi tốt nghiệp ở Matxcova, ông kết hôn và chuyển tới Kharkov, Ukraine lập nghiệp. Tại Ukraine, ông mở một nhà hàng Việt tên là Thăng Long với số vốn 10.000 USD. Một thời gian sau, ông cùng một số người bạn thành lập Tập đoàn Technocom để sản xuất mỳ ăn liền.
Từ năm 1993 đến 1999, dưới sự điều hành của ông Vượng, Technocom dần trở thành "đế chế" số 1 trong thị trường thực phẩm ăn nhanh tại Ukraine, doanh thu mỗi năm ước tính hơn 150 triệu USD, và được định giá lên tới 1 tỷ USD.
Năm 2001, ông đầu tư phần lớn lợi nhuận về Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản thông qua 2 công ty Vinpearl Land và Vincom, và bắt đầu gây dựng “đế chế” của mình tại Việt Nam, bắt đầu từ Nha Trang.
Đông Âu và tấm vé thông hành của các đại gia Việt
Không chỉ ông Vượng và bà Thảo từng học tập và làm việc tại Đông Âu, nhiều đại gia hiện tại của Việt Nam cũng thành danh từ vùng đất này trước khi trở về đầu tư tại Việt Nam.
Bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng (vợ và em vợ ông Vượng), những phụ nữ nằm trong top 10 người giàu trên sàn chứng khoán Việt, gắn bó với tỷ phú Vượng từ ngày đầu khởi nghiệp tại Ukraine. Hai bà cũng là những cổ đông đồng sáng lập Technocom.
Hiện tại, hai người phụ nữ quyền lực này cùng đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch tại Vingroup và sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ trên sàn chứng khoán. Bà Hương là người giàu thứ 6 sàn chứng khoán với khối tài sản hơn 5.100 tỷ đồng, bà Hằng sở hữu gần 3.500 tỷ đồng xếp thứ 7.
Một đại gia khác cũng trong nhóm cổ đông sáng lập Technocom tại Ukraine là ông Lê Viết Lam, hiện là Chủ tịch Sungroup. Ông cũng đồng hành cùng với ông Vượng và 1 số bạn bè thành lập khu chợ Barabarosha cho người Việt và dân địa phương tới buôn bán. Ông được cho là sở hữu khối tài sản nhiều tỷ USD.
|
Ông Lê Viết Lam và siêu thị thực phẩm đầu tiên của người Việt tại Ukraine - SunMart. |
Du học tại Nga cùng thời điểm với ông Vượng và bà Thảo, trước khi cùng tham gia thành tập Technocom, ông Lam đã từng gia nhập thương trường nhưng không thành công. Ông cũng không gắn bó lâu với Technocom mà sớm tách riêng và thành lập Tập đoàn Sungroup. Tập đoàn này đã xây dựng nhiều công trình, dịch vụ lớn ở Ukraine thời điểm đó, như siêu thị thực phẩm SunMart, công viên nước trong nhà Jungle, khách sạn 4 sao SunLight và Làng Thời Đại.
Năm 2007, ông Lê Viết Lam đầu tư về Việt Nam với các công trình, dự án hàng chục nghìn tỷ đồng như Khu du lịch Bà Nà Hills tại Đà Nẵng (104 triệu USD), công viên Châu Á (10.000 tỷ đồng), dự án Công viên Đại Dương tại Hạ Long (6.000 tỷ đồng), dự án cảng hàng không Quảng Ninh (7.500 tỷ đồng).
Khác với ông Vượng, người dồn lực đầu tư về Việt Nam, ông Lam vẫn duy trì các hoạt động kinh doanh, đầu tư ở Đông Âu.
Vị tỷ phú ẩn mình này còn là thành viên sáng lập Ngân hàng VIB và đang là Chủ tịch Tập đoàn Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt ở nước ngoài.
Hai ông chủ của Tập đoàn đa ngành Masan hiện nay là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch và ông Hồ Hùng Anh, Phó chủ tịch cũng thành danh từ Đông Âu trước khi về Việt Nam.
Gắn bó với nhau từ thời còn kinh doanh mỳ ăn liền tại Nga, trở về Việt Nam, hai ông vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này với một số thương hiệu như Omachi, Tiến Vua và cả lĩnh vực ngân hàng với Techcombank.
Một đại gia khác là ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch Eurowindow Holding, cũng trở về Việt Nam sau thời gian kinh doanh tại Đông Âu. Eurowindow đã mang lại thành công tại thị trường trong nước cho ông Sơn. Sau đó, ông chuyển đầu tư sang ngành bất động sản, tài chính, vật liệu xây dựng... Hiện ông là Chủ tịch Tập đoàn T&M Trans tại Nga và Phó chủ tịch Ngân hàng Techcombank.
Ông Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Bình Thiên An (BTA), từng học Học viện kỹ thuật quân sự tại Nga. Ông là người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh xây dựng tập đoàn Masan thành công tại Nga trước khi về Việt Nam.
Công ty BTA của ông nổi tiếng với hàng loạt thương vụ đình đám như thâu tóm Vinafco, Beton 6, Descon… cùng các dự án bất động sản lớn như Đảo Kim Cương (vốn đầu tư hơn 400 triệu USD) và Metropolis Thảo Điền (hơn 600 triệu USD) tại TP.HCM.
Một đại gia Việt khác cũng từng học ngành địa chất tại Nga là ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Ngân hàng VPBank. Trước khi trở về Việt Nam đầu tư, ông cũng có thời gian kinh doanh trong lĩnh vực mỳ ăn liền tại Nga.
Năm 1996, ông là cổ đông sáng lập ngân hàng VIB. Trong giai đoạn 2005-2010, ông là Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Liên Minh và tập đoàn KBG tại Nga. Trước khi trở thành Chủ tịch tại VPBank, ông từng là Phó chủ tịch thứ nhất tại Techcombank.
Một đại gia trong ngành tài chính khác cũng trở về sau một khoảng thời gian kinh doanh thực phẩm tại Đông Âu là ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Ngân hàng VIB.
Ở nước ngoài, ông Vỹ là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mareven Food Holdings, một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt tại nước ngoài, Công ty TNHH Mareven Food Central thuộc Mareven Food Holdings được tạp chí Forbes bình chọn Top 200 công ty tư nhân lớn nhất của Liên bang Nga.
Theo Zing News