Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Học viện bóng đá, Bệnh viện Đại học Y dược HAGL… là những thành công của doanh nhân tuổi Dần Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) từ khi lập nghiệp cho đến nay.
Tuy nhiên, chẳng có con đường nào trải hoa hồng, với người mới lập nghiệp thì gian nan, vất vả càng chồng chất…
Học vấn không mở ra... thì mình chọn con đường khác
Những năm 1980, học hành là chuyện khó khăn đối với lũ học trò ngoại ô thành phố. Thế nên, khi hoàn thành bậc THCS, cậu trai Đoàn Nguyên Đức phải khăn gói lên thị xã Pleiku (sau này là TP Pleiku) ở nhờ nhà người quen để học tiếp THPT. Kết thúc 12 năm đèn sách, năm 1982, như những người bạn khác, ông Đức khăn gói vào TP.HCM thi Đại học. Tuy nhiên, sau nhiều bận thi cử, khát vọng giảng đường Đại học mãi mãi là… giấc mơ.
“Con đường học vấn không mở ra với mình, thì mình nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, bầu Đức bộc bạch.
Vì không thể chấp nhận với nghề nông tự cấp tự túc là chính, với ý chí, nghị lực sẵn có, bầu Đức quyết tâm khởi nghiệp, với công việc buôn bán gỗ theo hình thức nhỏ lẻ cùng bạn bè. Sau khi tích cóp được lưng vốn, ông chuyển sang mở xưởng chuyên đóng đồ gỗ gia dụng. Từ những sản phẩm do chính tay làm ra, ông tiếp tục mở rộng sang sản xuất hàng nội thất và nhiều lĩnh vực khác.
Cuối năm 1993, ông Đoàn Nguyên Đức quyết định thành lập Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku và rầm rộ tuyển mộ nhân công ở chính nơi ông sinh sống và lập nghiệp. Ròng rã gần 14 năm là quá trình kinh doanh phát đạt với sản phẩm chính là đồ gỗ, buôn bán bất động sản…
Năm 2006, Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku đổi tên thành Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), kinh doanh đa ngành, từ: khai thác khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, kinh doanh địa ốc… Hai năm sau, Hoàng Anh Gia Lai niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã HAG và bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thời điểm đó.
Năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á. Cũng thời điểm đó, Chủ tịch HAGL đã rót đậm vốn vào thị trường cao su, khi giá bán đạt đỉnh 5 nghìn USD/tấn.
Sóng gió thương trường
Năm 2007 - 2008, ngay sau khi HAGL rót vốn đầu tư vào Lào, giá cao su thế giới liên tục lao dốc, không còn ở cái ngưỡng 2.500 - 3.000 USD/tấn như “bầu” Đức dự đoán. Thế là 25 ngàn ha cao su ở nước bạn của HAGL đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Họa vô đơn chí, bầu Đức tiếp tục thất bại khi chuyển sang trồng mía đường. Ảnh hưởng xấu từ kết quả kinh doanh, cổ phiếu các doanh nghiệp của ông rớt giá trên sàn chứng khoán. Từ mức trên 35 ngàn/cổ phiếu, có thời điểm cổ phiếu của bầu Đức chỉ còn 5 ngàn và hiện là 13.8 ngàn đồng/cổ phiếu (tính tới phiên giao dịch ngày 21/12/2021).
Trong cái rủi mới thấm tình hiểu nghĩa: HAGL gặp sự cố, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải Thaco Trần Bà Dương đã nắm tay hỗ trợ. Việc ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, đầu tư vào 2 công ty HNG và HAGL Myanmar giúp HAGL vượt khó. Cái bắt tay này không chỉ giúp ông Đức sớm hoàn thành dự án tại Myanmar theo cam kết với Chính phủ nước này, mà còn mở cánh cửa để ông Dương “nhắm” vào hệ sinh thái nông nghiệp của HAGL.
Vượt lên thất bại để... làm lại
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh của HAGL bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng có lẽ chưa bao giờ ông Đoàn Nguyên Đức ngừng nỗ lực và cố gắng. Chính ông từng tâm sự: “Bao năm qua, chưa lúc nào tôi cho phép mình nghỉ ngơi. Đôi khi, tôi than phiền rằng số tôi khổ khi có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Nói điều này để thấy, có được thành công là tôi phải làm việc cực hơn rất nhiều những người khác…”.
Tại Đại hội cổ đông, bầu Đức định hướng đường đi của HAGL: “Diễn biến COVID-19 còn phức tạp thì ưu tiên hàng đầu là giảm nợ vay, tinh gọn sản xuất kinh doanh, đảm bảo quản lý hiệu quả và có khả năng tự cân đối tài chính cho từng dự án, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ vay mới. Đến khi nào COVID-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn thế giới cũng như khi các dự án của tập đoàn tự cân đối được tài chính thì mới tính đến chuyện mở rộng thêm…”.
Bầu Đức cũng tiết lộ: “HAGL hướng đến tự động hóa tất cả các khâu sản xuất, từ làm đất, trồng cây, làm cỏ đến thu hoạch, đóng gói cũng như bảo quản sau thu hoạch. Tập đoàn cũng sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến hiện đại, tạo ra các sẩn phẩm từ trái cây với chất lượng cao như nước ép trái cây cô đặc, sấy khô và cấp đông để xuất khẩu; có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Những nốt thăng, nốt trầm trong sự nghiệp kinh doanh của Đoàn Nguyên Đức một lần nữa chứng minh cho tính đúng đắn từ chính câu nói của ông: “Đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công”…
“Cuộc tình” nồng nhiệt với bóng đá
Năm 2000, khi Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Gia Lai ăn nên làm ra, ông Đoàn Nguyên Đức quyết định “nhảy vào” lĩnh vực bóng đá và từ đó, cái tên “bầu Đức” xuất hiện.
Việc ông chiêu mộ chân sút số 1 Đông Nam Á Kiatisuk và chiến lược đầu tư mua hàng loạt cầu thủ chất lượng, đội bóng của ông liên tục lập chiến công tại V-League.
HLV Arsene Wenger từng khuyên bầu Đức: “Cần phát triển đào tạo trẻ, với nền móng là xây dựng các học viện bóng đá”. Đây chính là lý do, Học viện Bóng đá HAGL Arsenal – JMG ra đời vào tháng 3/2007 trên khu đất 5 ha, khu đất mà trước đó đã trồng cao su đến tuổi thu hoạch.
Trong suốt 20 năm qua, mỗi năm bầu Đức rót 2.000 tỷ vào việc vận hành trung tâm đào tạo và hoạt động của đội bóng đá HAGL.
Bầu Đức sinh ngày 6/12/1962 - Nhâm Dần trong gia đình có 10 người con (5 gái, 5 trai) tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là cháu nội của bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhì có 2 con trai hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Hà Ngọc Chính