|
Cho vay lãi suất thấp hay tặng quà hấp dẫn là những lời mời chào thường nhật của hầu hết các ngân hàng với khách hàng. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Đó là tâm lý chung của không ít khách hàng đi tham gia các chương trình tín dụng cho vay mua nhà trả trước hiện nay.
Đánh trúng tâm lý đó, nhiều ngân hàng quảng cáo cho vay dự án bất động sản với những điều khoản “ngọt ngào” như lãi suất ưu đãi 0%, thế chấp bằng chính căn nhà. Nhưng nếu không hiểu, khách hàng dễ dàng “sập bẫy” với các điều khoản hợp đồng đằng sau.
Bẫy 1: “Biên độ thả nổi” - Khách mù mờ, ngân hàng tha hồ múa gậy
Chị Kim Dung (Hà Nội) đã liên hệ với Lao Động, kể lại việc vay vốn mua nhà dự án Imperal Garden (Thanh Xuân - Hà Nội) tại một ngân hàng TMCP cho biết: “Mình thấy ngân hàng này thủ tục nhanh chóng, tiện lợi, hàng ngày mình chuyển khoản hàng chục món, nhưng món nào cũng nhanh gọn, đơn giản.
Với 1 người siêu lười các thể loại thủ tục như mình thì ngân hàng này phục vụ tốt, thủ tục nhanh gọn, không phải lót tay ai hết, chỉ cần ngồi một chỗ nhắn tin cung cấp vài thông tin việc làm thủ tục lằng nhằng còn lại các em tư vấn làm cho bằng hết. Quá ổn”.
Thế nhưng, theo chị K.D - nhân viên tư vấn - cho biết sau thời gian ưu đãi, khoản vay của chị K.D sẽ chịu lãi suất Tiết kiệm 12 tháng + biên độ 4%. “Mình chưa có kinh nghiệm đi vay bao giờ, nhân viên ngân hàng nói sao thì nghĩ chắc thế là đúng và áp chung cho tất cả các khách hàng. Thế là 4% + lãi suất cơ bản sẽ là mười mấy %/năm. Việc phí phạt trả trước hạn của mình cũng cao mà không là có thể thoả thuận được”.
Thậm chí, mỗi ngân hàng thương mại lại quy định mức lãi suất cơ sở khác nhau. Có ngân hàng quy định lãi suất cơ sở là tiền gửi 12 tháng, 13 tháng hoặc là một mức quân bình do ngân hàng tính toán và niêm yết theo từng giai đoạn. Trường hợp lấy mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng làm lãi suất cơ sở thì mỗi ngân hàng cũng có nhiều mức lãi suất khác nhau.
Bảng lãi suất huy động 12 tháng của ngân hàng cũng có các mức khác nhau. Cụ thể lãi suất áp dụng cho số tiền huy động dưới 100 triệu đồng chỉ là 6,9%/năm. Lãi suất huy động với kỳ hạn 12 tháng cho khoản tiền trên 5 tỉ đồng là 7,1%. Như vậy đã có sự chênh lệch 0,2% nếu như khách hàng không hỏi tận gốc vấn đề.
Bẫy 2: “Lãi suất ban đầu 0%”
Đánh vào tâm lý ham lãi suất thấp của khách hàng, nhiều ngân hàng hiện nay tung ra chương trình vay lãi suất 0% hoặc mức lãi suất ưu đãi 5%-6%/năm khi tham gia mua nhà tại các dự án. Tuy nhiên thực tế, mức lãi suất này chỉ áp dụng trong thời gian đầu, sau đó lãi suất sẽ vọt lên cao theo cơ chế thả nổi. Các ngân hàng thương mại như BIDV, Agribank... khi tham gia cho vay các dự án bất động sản đều đang áp dụng hình thức này.
Chị H (Hà Nội) hồ hởi khoe về dự án Ecopark được Vietcombank cho vay với lãi suất quảng cáo 0% trong 12 tháng. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 24 tháng trả sau + biên độ 3,5%. Tuy nhiên, sau đó chị H xem kỹ lại các điều khoản hợp đồng thì mới “tá hoả” vì lãi suất thực tế không “mềm” như chị tưởng nhưng vì đã đặt bút ký hợp đồng nên chị H chẳng kêu được ai.
Không chỉ riêng chị H, nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh “há miệng mắc quai” vì khi ký hợp đồng vay vốn ngân hàng không để ý lãi suất thật khi đi vay, một số nhân viên ngân hàng vì mong đạt doanh số cũng “lờ” nội dung này nếu khách không hỏi kỹ.
Lãi suất thả nổi này sẽ được áp dụng theo công thức: Lãi suất cơ sở cộng với biên độ. Trường hợp mà lãi suất ưu đãi thời gian đầu càng thấp thì biên độ thả nổi sau đó thường rất cao, có nơi lên 4,5-5%. Khi đó, người vay dễ bị rơi vào bẫy lãi suất cao và mất khả năng chi trả.
|
Nhiều khách hàng không đọc kỹ các điều kiện trước khi đặt bút ký vào hợp đồng vay tiền. |
Bẫy 3: Trả nợ trước hạn cũng bị phạt
Các ngân hàng có quy định rõ ràng nếu khách hàng trả nợ trước hạn so với cam kết sẽ bị ngân hàng phạt khoản phí nhất định.
Một chuyên gia cho biết: “Các ngân hàng phải cân đối vốn huy động, lãi suất, kỳ hạn cũng như bù đắp những rủi ro phát sinh về khoản vay… nên họ hay thu phí đối với khách hàng không thực hiện theo cam kết”.
Hiện nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách nếu trả nợ trước hạn đến 1 năm thì số tiền phạt là 3% nhân với số tiền trả nợ trước hạn.
Trả nợ trước hạn 1-2 năm thì phí trả nợ là 2,5% nhân với số tiền trả nợ trước hạn.
Nếu trả nợ trước hạn trên 3-4 năm thì số tiền phạt là 1,5% nhân với số tiền trả nợ trước hạn.
Lời khuyên nào
Để không “sập bẫy ngọt ngào” của các ngân hàng, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết: “Khách hàng khi vay cần tìm hiểu kỹ xem thời gian ưu đãi là bao lâu, lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ được tính toán cụ thể thế nào, các kỳ điều chỉnh lãi suất…
Ngoài ra, người đi vay cần chú ý đến cách tính lãi của ngân hàng. Hiện nay, ngân hàng có 2 hình thức tính lãi là tính theo dư nợ giảm dần và tính theo dư nợ ban đầu. Theo đó, có một số ngân hàng công bố mức lãi suất vay tiêu dùng chỉ 7-8%/năm để đánh vào tâm lý ham rẻ, nhưng lại tính theo dư nợ gốc ban đầu. Kết quả, khoản tiền lãi khách hàng phải trả có khi còn cao hơn mức lãi 10-11% tính theo dư nợ giảm dần”.
Khi ký hợp đồng, người vay cần làm rõ mức lãi suất cơ sở này chính xác là kỳ hạn nào? Thuộc loại sản phẩm tiền gửi nào? Hoặc được tính toán trên cơ sở nào? Bao lâu thay đổi một lần… để tránh nhập nhằng về sau.
NHNN yêu cầu các ngân hàng cân nhắc việc tăng phí rút ATM nội mạng
Đại diện NHNN mới đây cho biết, ngân hàng này vừa chỉ đạo các NHTM cân nhắc việc không tăng phí rút tiền ATM nội mạng vào thời điểm hiện tại.
Vừa qua, Agribank thông báo kể từ ngày 12.5 sẽ tăng phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.000 lên 1.650 đồng (bao gồm cả VAT). Phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.
Không chỉ Agribank, kể từ ngày 5.5, phí rút tiền của chủ thẻ Vietinbank tại các ATM VietinBank đã tăng lên 1.560 đồng (đã gồm VAT) với thẻ thông thường và 2.200 đồng (với thẻ Gold, Pink). Phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM của VietinBank được thông báo là 11.000 đồng.
Từ đầu tháng 3, Vietcombank thay đổi một loạt mức phí, trong đó phí SMS Banking tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng mỗi tháng (đã bao gồm VAT). Lý do tăng phí ATM được các ngân hàng đưa ra là để bù đắp chi phí lỗ lớn cho mảng ATM.
Theo một số ngân hàng, chi phí cho một giao dịch tại ATM các nhà băng phải chi trả (gồm cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng) từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng, Hiệp hội thẻ Việt Nam nên đưa ra một mức thu phí hài hoà lợi ích của các ngân hàng và nhu cầu mong muốn của khách hàng.
C.V
Theo Mi Vân/Lao động