Những hé lộ ấy, cộng với việc nhìn lại con đường đầy thử thách mà họ đã và đang vượt qua, có thể thấy chân dung những đế chế mới.
Nhìn thấy cơ duyên trong khủng hoảng
Hàng trăm doanh nhân, quan chức tham gia Diễn đàn, đã cùng nhau bàn thảo vàgiải đáp một câu hỏi ngắn nhưng đầy thách thức: Cần làm gì để một đất nước (như Việt Nam) có những tập đoàn kinh tế tư nhân cực mạnh, đủ sức đương đầu với những đế chế đa quốc gia khác?
Rất nhiều đáp án được đưa ra, nhưng câu trả lời của bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk - một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á theo bầu chọn của Forbes và câu trả lời của Tony Fernandes - chủ tịch AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Châu Á về số lượng khách - có những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên.
|
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Th True Milk. |
Với ông chủ của AirAsia, để tạo lập đế chế, câu trả lời là“Sự khác biệt”. Câu chuyện về sự khác biệt của Tony Fernandes, đến ngay từ ngày ông… thất nghiệp. Thay vì tìm một việc làm, Tony lại cho phép mình lang thang đến một quán bar ở Anh giải sầu và nói với vợ rằng sẽ thành lập một… hãng hàng không.“Vợ tôi nói: Anh điên à, và sau đó thì cô ấy bỏ tôi” - Tony vừa cười vừa nhớ lại.
Với 1 triệu đô la tiền vốn và thế chấp căn nhà của mình, Tony và bạn ông quyết định mua lại hãng hàng không AirAsia, với giá 25 cent vào tháng 9/2001. Đó là một cái giá không hề rẻ vì lúc bấy giờ hãng chỉ có 2 máy bay và một khoản nợ khổng lồ gấp 11 lần vốn tự có - 11 triệu đô la.
Từ một kế toán chỉ biết “bán mấy đĩa nhạc” cho một hãng thu âm, Tony trở thành ông chủ hãng hàng không khi chưa hiểu gì về hàng không, thậm chí ông còn không biết xin giấy phép thành lập hãng ở đâu.
Còn bà Thái Hương quyết định dấn thân vào thị trường sữa chỉ sau một đêm - cái đêm mà bà khái quát bằng 2 từ “duyên” và “thời cơ”.“Một buổi tối năm 2008, xem ti vi, tôi thấy sữa nhiễm Melamin làm chết và chảy máu hàng triệu quả thận trẻ em ở Trung Quốc, trong khi thị trường sữa ở Việt Nam có tới 92% là sữa bột nhập về pha lại, mà chủ yếu nhập sữa từ Trung Quốc. Tôi nghĩ mình phải vào cuộc”.
Thái Hương quyết định làm sữa ngay đêm hôm đó. Giữa lúc người Việt hoang mang và dè chừng nhất về sữa, thì Thái Hương lại lội ngược dòng, cho rằng“duyên” và “thời cơ” đã đến.
Nhưng ngay lập tức, TGĐ Bac A Bank phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa: Làm thế nào để tỏa sáng trong một thị trường sữa hỗn độn, thiếu minh bạch, trong khi kiến thức về sữa của bà bằng không?
Bà Thái Hương nghĩ, chỉ có tư duy vượt trội mới có thể tạo nên khác biệt, giúp TH không bị nuốt chửng bởi những doanh nghiệp sữa đi trước. Tư tưởng ấy đã dẫn bà Thái Hương đến một đất nước có rất nhiều người tư duy vượt trội, đó là Israel. Khí hậu, thổ nhưỡng rất khắc nghiệt nhưng Israel lại có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. “Mình không giỏi, nhưng mình sẽ tìm đến và thuê những người giỏi nhất” - Bà Thái Hương chia sẻ.
Và thế là các chuyên gia và nông dân người Israel khăn gói theo Thái Hương về Việt Nam để biến điều mà suốt 40 năm, ngành chăn nuôi Việt Nam không thể thực hiện được, thành điều có thể: Thực hiện thành công trang trại bò sữa quy mô lớn ở nơi gió Lào, nắng lửa. Không những thế, các cô bò TH thậm chí còn cho lượng sữa trung bình cao nhất Việt Nam.
Giống như Thái Hương, Tony Fernandes nhìn thấy “duyên” và “thời cơ” trong khủng hoảng. AirAsia được ông mua lại sau sự kiện khủng bố bằng máy bay ở Mỹ - ngày 11/9. Khi tất cả các hãng hàng không khác coi đây là thảm họa, thì với tư duy khác biệt của Tony, điều này trở thành lợi thế.
Vụ 11/9 khiến giá thuê máy may giảm 40% và nhân lực hàng không khủng hoảng thừa. Đó là cơ hội có một không hai để AirAsia nhanh chóng bù đắp được những thiếu hụt lớn.
“Những cú PR vĩ đại”
Năm 2002, nhiều hãng hàng không, trong đó có AirAsia, lại đối mặt với thách thức mới.
Vụ đánh bom đẫm máu ở Bali, tháng 10/2002 làm 187 người, chủ yếu là khách du lịch thiệt mạng, đã khiến nhiều chuyến bay ở Châu Á bị ngưng trệ vì khách giảm. Các hãng hàng không khác đều ngừng quảng cáo và cắt giảm chuyến bay. Tư duy khác biệt giúp Tony làm ngược lại: Ông gia tăng lượng quảng cáo về AirAsia và mạnh tay tặng tới 5.000 suất bay đến và đi từ Indonesia. Chưa hết, chính Tony đã ngồi trên một chuyến bay trong số đó để tăng thêm niềm tin cho khách hàng.
Cú PR (quảng bá) đỉnh cao này là một trong những bệ phóng quan trọng đưa tên tuổi AirAsia lên bầu trời đại chúng.
Ngay từ khi ra đời, TH true MILK cũng đã phải hứng chịu những giông tố dữ dội từ dư luận và những “người giấu mặt”. Khi những mẻ sữa tươi sạch đầu tiên ra lò, TH mang tặng bà con quanh vùng thưởng thức, lập tức có những kẻ lạ mặt đi xe máy khắp hang cùng ngõ hẻm Nghệ An tung tin nhảm bôi nhọ “sữa TH có vấn đề, đừng uống”.
Khi Thái Hương tuyên bố làm “sữa tươi sạch”, những người đang muốn nhập nhèm sữa bột pha lại với sữa tươi để có lợi nhuận cao nhất, cũng quay ra chỉ trích dữ dội. Thái Hương biết, để làm thay đổi nhận thức và để công chúng rộng rãi biết đẳng cấp và sự khác biệt của TH (tươi sạch, thật sự thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng), cần phải có những cú PR đỉnh cao.
Và thế là giữa giông tố dư luận, Thái Hương tiếp tục có một tuyên bố chấn động để định vị thương hiệu, khẳng định con đường đã chọn: “Tôi không có đối thủ” (đơn giản vì bà xác định đi một con đường mới: Sữa tươi sạch. Đi đường riêng thì làm gì có đối thủ).
Đúng như dự đoán,cú PR đỉnh cao này, dù có không ít phản ứng suy diễn là bà ngạo mạn, nhưng một lần nữa giúp cho rất nhiều người hiểu rõ đẳng cấp dòng sữa và lòng kiêu hãnh của bà chủ. Nước cờ ấy của bà Thái Hương đã khiến các chuyên gia thương hiệu và truyền thông phải trầm trồ.
“Tôi nhận ngạo mạn, xin kiêu hãnh” - Thái Hương đã chốt hạ như vậy tại một diễn đàn lớn. Lần nữa, tên tuổi TH lại được quảng bá thành công.
“Không đầu hàng”
Tháng 12/2014, “cơn ác mộng tồi tệ nhất trong đời” của Tony (cách dùng từ của ông) đã đẩy AirAsia đến bờ vực phá sản.
Đó là khi chuyến bay định mệnh QZ8501 của hãng mất tích trên đường đến Singapore kéo theo số phận của 162 hành khách. Cả thế giới chấn động. Chạy trốn và né tránh, vòng vo là cách mà nhiều ông chủ khác thường làm khi xảy ra biến cố lớn. Lãnh đạo của Malaysia Airline (hãng cũng gặp tai nạn máy bay thảm khốc MH17, MH370) cũng vậy.
|
Ông Tony Fernandes, ông chủ của hãng hàng không giá rẻ AirAsia. |
Nhưng Tony Fernandes lại khác, ông chọn cách dũng cảm đối mặt: Đến ngay hiện trường. Dù bàng hoàng đến mức “không thể tin nổi”, Tony vẫn kịp xử lý khủng hoảng truyền thông một cách cực kỳ đúng đắn.
Ông viết trên tài khoản Twitter: “Đây là ác mộng tồi tệ nhất của tôi. Nhưng chúng ta sẽ không đầu hàng. Tôi nhắn gửi toàn bộ nhân viên ở AirAsia hãy mạnh mẽ và luôn là những người giỏi nhất”.
Sau cuộc gặp gỡ với thân nhân hành khách và phi hành đoàn đang đau đớn cùng cực, Tony nói với cánh báo chí có mặt tại sân bay Surabaya:“Kể cả khi chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng các hành khách đã có mặt trên máy bay của chúng tôi, và tôi phải nhận trách nhiệm vì điều đó…
Tôi là người lãnh đạo của công ty này và tôi phải chịu trách nhiệm. Đó là lý do vì sao tôi ở đây”.
Tony kể lại với các doanh nhân Việt Nam về thời khắc khó khăn đó:“Tôi đã đưa số điện thoại của mình cho tất cả gia đình các nạn nhân và ở bên họ, dù trước đó, có rất nhiều dư luận đòi tôi phải từ chức và khuyên tôi không nên chường mặt trước công chúng”.
Pha xử lý khủng hoảng xuất sắc, bằng tư duy khác biệt của Tony Fernandes đã cứu sống Air Asia và một lần nữa đưa thương hiệu cá nhân của Tony lên tầm thế giới.
Cùng kịch bản, nhưng đối thủ cạnh tranh của AirAsia là Malaysia Airline phải chấp nhận “phá sản” và sa thải 20.000 nhân viên trong một cuộc tái cơ cấu, làm lại hoàn toàn từ số âm.
4-5 năm trước, khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động nặng nề đến kinh tế Việt Nam. Khi ấy TH thiếu vốn đầu tư cho đại dự án sữa trị giá 1,2 tỉ đô la, nhưng nhiều ngân hàng lại quay lưng.
Lúc nguy nan nhất, thậm chí Thái Hương đã phải tính đến việc bán lại một phần dự án dứt ruột đẻ ra cho các đối tác nước ngoài để lập liên doanh, giảm áp lực về vốn đầu tư.
Nhưng cuối cùng, bà đã không đầu hàng.“Người Việt không thể dâng lợi thế đất đai, tài nguyên của mình cho nước ngoài. Thứ tôi cần là mua công nghệ đỉnh cao của họ, chứ không phải là mua sợi dây để họ siết cổ, thâu tóm doanh nghiệp Việt.” Kiên định con đường tự lực, tự cường vượt qua thử thách, Thái Hương kêu đến ngân hàng Nhà nước, rồi bà ngồi lại lên dây cót với các cổ đông. Nhìn thấy sự triển vọng và sự tử tế của dự án, ngân hàng Nhà nước đã ra tay. Được tiếp vốn, TH tiếp tục đẩy nhanh dự án với tốc độ chưa từng thấy.Tốc độ này được ông Gil Inbar, CEO người Israel miêu tả ngắn gọn: “Trên thế giới, cũng không nhiều người phụ nữ làm được như Thái Hương. Nhiều dự án bò sữa trên thế giới phải mất 10 năm mới hoàn thành, nhưng bà Thái Hương chỉ mất 3 năm”.
Sự minh bạch
Trước mặt các quan chức, doanh nhân Việt Nam, Tony Fernandes chia sẻ:“Từ chỗ có 2 máy bay, bây giờ AirAsia có 200 chiếc”. Từ một người thất nghiệp, 10 năm sau khi tiến hành “cuộc cách mạng bay giá rẻ”, Tony Fernandes trở thành “ông hoàng hàng không giá rẻ Châu Á”.
Từ một người không có chút kiến thức nào về sữa, 5 năm sau khi kiến tạo “cuộc cách mạng sữa tươi sạch ở Việt Nam”, Thái Hương trở thành một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.
Trang trại TH của bà được vinh danh “Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á”, với doanh thu năm 2014 là 4.000 tỉ đồng, dự kiến 2015 là 6.000 tỉ đồng. Còn sản phẩm TH true MILK vinh dự nhận Giải thưởng Thực phẩm Tốt nhất ASEAN. Nhờ cú hích TH mà sữa tươi đã chiếm đến gần 30% thị phần sữa nước Việt Nam (trước đây chỉ có 8%).
Tony Fernandes chưa dừng cuộc chơi của mình khi tiếp tục mở rộng các đường bay và đầu tư thêm thể thao.
Thái Hương cũng chưa dừng lại, nhưng bà lại kiên quyết chọn con đường đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao dựa trên giá trị cốt lõi Vì sức khỏe cộng đồng.“Đầu tư vào nông nghiệp không dễ, nhưng với tôi thì không khó, tôi đã quá hiểu và có chìa khóa vàng: Tư duy vượt trội của người Việt + công nghệ cao của thế giới + tài nguyên Việt” - Thái Hương chia sẻ.
Lĩnh vực được dự đoán sẽ có những thành công lớn của TH là dược liệu và thực phẩm chức năng. Thái Hương đã chọn Mỹ, thị trường khắt khe nhất về chất lượng, để tung ra những sản phẩm thực phẩm chức năng đầu tiên và 4 sản phẩm đã được giải thực phẩm chức năng tốt nhất.
Thái Hương cũng đã mua nhà máy sản xuất thuốc có dây chuyền máy móc hiện đại nhất Việt Nam. Bà cũng đã có trong tay nhiều cánh rừng cây dược liệu quý ở Đà Lạt, Thanh Hóa, Nghệ An để sẵn sàng cho cú bật vọt mới.
“Việt Nam có rất nhiều cây dược liệu quý hiếm nhưng người dân vẫn chết trên dược liệu vì nước ngoài tận thu sạch mang đi để rồi những thứ dược liệu phế thải nhất lại quay về mình. Tôi sẽ thay đổi điều đó” - Thái Hương cho biết.
Khi được hỏi, cần thêm điều kiện gì để doanh nghiệp khẳng định vị thế dẫn đầu, cả Thái Hương và Tony Fernandes đều có chung một đáp án: Sự minh bạch. Tony rút ra kết luận: “Minh bạch còn là yếu tố quan trọng nhất để giải quyết thành công khủng hoảng”, còn theo Thái Hương, minh bạch để phát triển. “Thị trường sữa cần minh bạch: Minh bạch xuất xứ ghi trên bao bì, minh bạch quy trình sản xuất, minh bạch sữa tươi - sữa bột pha lại. Minh bạch để doanh nghiệp làm ăn nhập nhèm bị tẩy chay và doanh nghiệp làm ăn chân chính được tưởng thưởng” - bà Thái Hương kết luận.
Diễn đàn kinh tế “Vượt lên dẫn đầu” có sự góp mặt của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cùng hàng trăm doanh nhân nổi tiếng: Cao Thị Ngọc Dung - chủ tịch JSC, Thái Hương - Chủ tịch TH, Phạm Hồng Hải - CEO HSBC Vietnam, Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch IPP, Tony Fernandes - Chủ tịch AirAsia, Macco Breu - Giám đốc McKinsey Vietnam, Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch REE, Somhatai Panichewa - Chủ tịch Amata Vietnam, Lê Văn Quang - Chủ tịch thủy sản Minh phú, Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch GIBC…
Ngọc Hà