Luật sư Tạ Phương - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, căn cứ Điều 90 và 97 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Nếu có sự kiện bất khả kháng mà người sử dụng lao động tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn, thì không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người sử dụng lao động phải đền bù một khoản tiền cho người lao động theo quy định nêu trên.
“Khi người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động, đối chiếu theo quy định tại khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về tiền lương, tùy mức độ sẽ bị phạt tiền tương ứng với các khung hình phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng”, luật sư Tạ Phương nói.
Người sử dụng lao động còn bị buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động, tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố ở thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.