Hội thảo diễn ra dưới dự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa Việt Nam, do Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức ngày 25/7/2023, tại Hà Nội. Hội thảo đi sâu phân tích những lý do khiến cho sức hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2023 còn thấp; đề xuất giải pháp giúp nâng cao năng lực hấp thụ vốn của DN, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
|
Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long (ngoài cùng bên phải) chia sẻ thông tin tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” |
Thông tin từ Hội thảo cho biết, mặc dù ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp, nhưng tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Theo các đại biểu, nguyên nhân lớn nhất là hiện các DN thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều DN phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long, chia sẻ: Nhận thức được vai trò, sứ mệnh là một trong những định chế tài chính lớn, BIDV luôn tiên phong triển khai thực hiện các chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN. Trong thời gian qua, BIDV đã chủ động, quyết liệt triển khai các các giải pháp cụ thể góp phần tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN.
Thứ nhất, BIDV nghiêm túc triển khai các chỉ đạo, chính sách, chương trình của Chính phủ, NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Quán triệt Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/1/2023, Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/1/2023, BIDV đã chủ động, nghiêm túc ban hành Nghị quyết, Chương trình hành động, văn bản chỉ đạo hoạt động tín dụng toàn hệ thống nhằm triển khai kịp thời và có hiệu quả các chủ trương của Chính phủ, NHNN.
Triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/05/2022, BIDV chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để thực hiện đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn toàn hệ thống; Tính đến hiện tại, BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay lũy kế đến 30/06/2023 là 16 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5 nghìn tỷ đồng. Thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023, BIDV đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; Tính đến 30/06/2023, tổng dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN tại BIDV là khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Đối với Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 và văn bản 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023 của NHNN, BIDV dành gói tín dụng quy mô 30 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; Đến thời điểm hiện tại, BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố phê duyệt cấp tín dụng cho dự án nhà ở xã hội tại Phú Thọ. Bên cạnh đó, BIDV còn đưa ra gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay nhà ở thương mại giá trị thấp với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà.
Đầu tháng 7/2023, BIDV được NHNN chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023 và ngay lập tức BIDV đã kịp thời triển khai trên toàn hệ thống nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DN.
Thứ hai, BIDV chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện cơ cấu lại tài sản nợ-có, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ hỗ trợ DN. Trong 06 tháng đầu năm 2023, BIDV điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm. Đồng thời, chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, quy mô lên tới 253 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, BIDV còn chủ động miễn/giảm phí dịch vụ như: Chương trình DigiUp dành cho DN sử dụng sản phẩm ngân hàng số BIDV iBank; BIDV iConnect với hơn 12 loại phí được miễn/giảm; Chương trình Trade Booming ưu đãi về tỷ giá, miễn phí chuyển tiền quốc tế… cho các DN xuất nhập khẩu.
Thứ ba, BIDV chủ động số hóa nhằm tinh gọn quy trình, thủ tục cho vay. Theo đó, BIDV tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ; số hóa quy trình từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay vốn của DN đến phê duyệt, giải ngân nhằm đơn giản hóa thủ tục; Tích cực phát triển và đưa các sản phẩm tín dụng lên kênh số (website, mobile app, SMS), giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ, tiết giảm thời gian xử lý. BIDV cũng đẩy mạnh triển khai các cơ chế tài trợ chuỗi cung ứng, số hóa trải nghiệm khách hàng trên phần mềm BIDV SCF với nhiều tính năng tự động.
Bên cạnh đó, BIDV thường xuyên rà soát các quy định nhằm tinh giản quy trình, thủ tục đối với khách hàng; Xây dựng quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với DN siêu nhỏ, DNNVV với cơ chế đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý. BIDV cũng ban hành các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực ngành nghề với quy trình rút gọn phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành như: Gói sản phẩm tài trợ DN ngành dược phẩm, ngành sản xuất thiết bị điện, ngành xây lắp... Ngoài các giải pháp trên, BIDV cũng quán triệt toàn hệ thống chủ động phân nhóm khách hàng để triển khai những giải pháp hỗ trợ hợp lý, cung ứng vốn tín dụng giúp khách hàng phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Thứ tư, BIDV tích cực triển khai công tác hỗ trợ tư vấn, nâng cao năng lực hoạt động cho DN. Cụ thể, BIDV tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị nhằm trao đổi và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN; Triển khai các giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển kinh doanh bền vững, giúp nâng cao năng lực hoạt động thông qua Nền tảng số BIDV SMEasy; Phối hợp với VCCI, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, các Hiệp hội DN địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối, đào tạo, hội thảo, nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực kinh doanh cho DN; Tham gia các hội nghị kết nối, đối thoại Ngân hàng-DN do NHNN, UBND các tỉnh tổ chức…
Với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, tính đến 30/06/2023, toàn hệ thống BIDV đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7% (cao hơn mức chung toàn ngành ngân hàng 4,73%), tương ứng dư nợ khoảng 1,6 triệu tỷ đồng; Riêng tín dụng DN tăng trưởng 7,3%, tương ứng với mức tăng tuyệt đối 60 nghìn tỷ đồng. Dư nợ DNNVV chiếm tỷ trọng 40% tổng dư nợ khách hàng DN, tăng 7,2% so với cuối năm 2022, tiếp tục dẫn đầu thị phần dư nợ SME trên thị trường.
Nỗ lực của BIDV trong việc khơi thông dòng vốn, hỗ trợ DN góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành; được các ngành, các cấp và cộng đồng DN đánh giá cao. BIDV cũng được các tổ chức quốc tế ghi nhận và vinh danh ở các hạng mục giải thưởng uy tín như: Giải thưởng Ngân hàng SME tốt nhất Đông Nam Á lần thứ 3 liên tiếp, Ngân hàng phục vụ khách hàng DN tốt nhất Đông Nam Á lần thứ 2 liên tiếp (Tạp chí Global Banking and Finace trao tặng); Giải thưởng Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam lần thứ 6 liên tiếp (Tạp chí Asian Banking and Finance trao tặng)…
PV