Những phát hiện sau 3 năm khảo sát biệt thự
Trong 3 năm qua, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau thực hiện các đánh giá, phân tích đầy đủ về ngôi biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) để thu thập bộ dữ liệu kỹ thuật hoàn chỉnh liên quan đến cấu trúc, kỹ thuật xây dựng, vật liệu,… của nó. Đây là biệt thự cổ được xây dựng vào cuối những năm 1920, nay trị giá 35 triệu USD (hơn 800 tỉ đồng).
Theo đó, một trong những thành phần tinh tế nhất của phần trang trí biệt thự là gạch lát sàn, bao phủ toàn bộ không gian sử dụng của ngôi nhà kể cả logia (giống ban công nhưng được xây thụt vào bên trong tường nhà). Việc xác định nguồn gốc của các vật liệu này được thực hiện thông qua nghiên cứu trong khu vực về các vật liệu tương tự và tìm kiếm tại các nhà cung cấp khác nhau trên thế giới.
|
Biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần trị giá 35 triệu USD hiện tại.
|
Xét về chất lượng và độ chi tiết thiết kế của các viên gạch được sử dụng tại biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần, khó có thể xác định chúng được sản xuất đại trà. Qua việc kiểm tra các mẫu thử lấy từ ban công, kết quả chứng minh chúng là gạch ceramic chứ không phải gạch xi măng.
Qua thời gian, một số gạch ngói đã bị thay thế bằng các thiết kế mới, khiến cho việc đánh giá cũng như đưa ra quyết định trùng tu trở nên khó khăn hơn.
Theo đơn vị tham gia trùng tu, tất cả các mẫu gạch trong biệt thự đều được đo đạc, nghiên cứu và kiểm tra để xác định chính xác nhà cung cấp và chất lượng cần thiết. Cho tới nay, chỉ có duy nhất một nhà sản xuất còn cho ra các mẫu tương tự và đạt tiêu chí về thiết kế nguyên bản của ngôi biệt thự.
Đóng góp cho vẻ đẹp uy nghiêm của biệt thự còn là phần thiết kế ấn tượng của lan can cầu thang sắt. Các logia chính và đặc biệt là các ban công là những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Các hoa văn này được sản xuất hàng loạt tại Pháp và Đức, sau đó nhập khẩu và thi công tại công trường.
Thiết kế mái phức tạp cũng là một phần độc đáo của biệt thự với các chi tiết trang trí trên đỉnh mái, gạch ngói truyền thống trên phần logia phía sau, và gạch cơ khí phủ trên tất cả các cạnh mái chính. Đây thực là một tài sản đáng chú ý của ngôi biệt thự.
Là một trong những vật liệu được sử dụng từ những năm 1920 - 1930, các tấm kính màu trang trí cũng là một ví dụ hoàn hảo cho thấy sự tỉ mỉ trong việc lựa chọn các yếu tố nhập khẩu đáp ứng thiết kế của ngôi biệt thự. Những tấm kính màu này chỉ trở nên thông dụng vào những năm 1930 trên khắp châu Âu, do đó biệt thự càng trở nên đặc biệt và là một công trình tiên phong trong thời điểm ấy.
Những bức gỗ khắc được dành cho một căn phòng riêng biệt tại tầng trệt, mà đơn vị nghiên cứu tin rằng nó là một phần của thiết kế cách âm cho căn phòng. Các chuyên gia còn lưu ý đến sự phức tạp trong cách sử dụng các loại gỗ khác nhau để tạo nên một bức khắc gỗ trên trần nhà.
Khi khảo sát, đơn vị duy tu biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần còn nhìn thấy các vết sơn màu lộ ra trần nhà - nơi những lớp sơn trắng che phủ lại. Tương tự, trên tường cũng là những bức tranh mang nhiều ý nghĩa.
Tiết lộ phương pháp làm “mới y như cũ”
Theo thời gian, một số thành phần của ngôi biệt thự đã bị xuống cấp. Trong đó, phần mái nhà đã bị xuống cấp đáng kể, khiến ngấm nước bên trong tầng trên và gây hư hỏng các bức tranh trang trí. Ngoài ra, cấu trúc kim loại trên các ban công cũng bị hư hại do tiếp xúc trực tiếp với nước.
Với mong muốn tôn tạo biệt thự, đơn vị sở hữu biệt thự đã lên phương án bảo tồn một cách đầy đủ và chi tiết, bao gồm tất cả các công việc cần thiết để bảo tồn và tôn tạo ngôi biệt thự. Dự án sẽ được thực hiện theo trình tự, bắt đầu với việc phá hủy các công trình xây thêm sau này và cả những gì mở rộng lên từ cấu trúc ban đầu) để trả lại biệt thự về hình ảnh ban đầu của nó.
|
Phần mái biệt thự.
|
Các biện pháp cải tạo sẽ được thực hiện sao cho đảm bảo sự bảo vệ tốt nhất cho tòa nhà và các cấu trúc của nó. Các bộ phận kết cấu sẽ được gia cố khi cần thiết, tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật và vật liệu xây dựng ban đầu, và sẽ được nhập khẩu nếu không có sẵn ở Việt Nam.
Các bức hoạ trang trí trên tường và trần nhà sẽ được phục dựng kỹ lưỡng và chuyên sâu dưới sự quản lý của các chuyên gia người Ý. Quá trình này sẽ rất khó khăn và tốn rất nhiều thời gian với 5 kỹ thuật: Loại bỏ lớp sơn phủ, lau chùi, gia cố, dặm vá và khôi phục hình ảnh.
Trong đó, bước loại bỏ các lớp sơn phủ trên các bức tranh cần sử dụng dao và cạo chuyên dụng để loại bỏ từng lớp cho tới khi thấy được lớp sơn nguyên thủy.
Đến bước lau chùi, các lớp bám còn lại sẽ được loại bỏ bằng bọt biển tự nhiên thấm nước khử ion: Đắp một lớp giấy bảo vệ có trọng lượng thích hợp lên bề mặt sơn, sau đó đắp nhựa trao đổi ion có tác dụng khử lưu huỳnh và bổ sung amoni cacbonat (3% đến 8%) để loại bỏ lớp gì trắng còn sót lại.
Ở bước gia cố, các chuyên gia sẽ gia cố các mảng thạch cao có nguy cơ rơi ra khỏi bề mặt tường bằng cách bơm vữa khoáng thủy lực không chứa muối, được giữ lại bằng các tấm gỗ nhỏ và giữ nguyên cho đến khi quá trình thủy phân hoàn tất.
Tiếp theo, họ sẽ dặm vá các chỗ bị nứt vỡ và các phần còn loang lỗ để khôi phục độ phẳng của bề mặt bằng vôi và cát với độ mịn phù hợp. Sau đó, chúng được quét vôi lại để hòa quyện với bề mặt nguyên thủy.
Cuối cùng là bước khôi phục hình ảnh của những mảnh nhỏ, mảnh bị phai hoặc mất màu với kỹ thuật khôi phục màu nguyên thủy, sử dụng các chất màu tự nhiên (đất và oxit) pha loãng trong môi trường amoniac để có được màu hoàn thiện đồng nhất. Đối với các mảng lớn hơn, các họa tiết trang trí hiện hữu có thể được tái tạo bằng kỹ thuật “spolvero” để thể hiện chính xác mọi thứ như trang trí ban đầu.
Theo Ngọc Phạm / Dân Việt