Giá xăng cao nhất lịch sử là bao nhiêu?
Từ 20h ngày 23/6/2014, các doanh nghiệp xăng dầu đã niêm yết giá bán xăng RON 95 ở mức giá 25.730 đồng một lít (vùng một). Với các địa bàn xa trung tâm, cảng biển (vùng hai), xăng RON 95 có giá là 26.240 đồng một lít.
Đây được coi là mức giá cao nhất trong lịch sử của RON 95. Kỷ lục này đến nay chưa bị phá vỡ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng RON 95 đang hướng đến vùng giá cao nhất lịch sử thiết lập vào tháng 6/2014.
|
Giá xăng RON 95 hướng đến mốc cao nhất lịch sử. Ảnh: Lương Bằng |
Cụ thể, ngày 2/5/2019, giá xăng RON 95 - III được doanh nghiệp niêm yết ở mức giá 22.190 đồng/lít.
Như vậy, mức giá này thấp hơn mức kỷ lục đặt ra hồi tháng 6/2014 chỉ là 3.540 đồng/lít.
Với 3 lần tăng giá liên tiếp gần đây, giá xăng RON 95 tổng cộng đã tăng thêm tới 3.642 đồng/lít.
Phải lưu ý thêm rằng, trong lần tăng giá ngày 2/5, Bộ Công Thương cũng khẳng định: “Hiện giá bán lẻ các mặt hàng xăng trong nước vẫn đang được duy trì ở mức thấp hơn khá nhiều so với giá cơ sở”. Có nghĩa, giá bán lẻ hiện hành vẫn đang được bù bằng Quỹ bình ổn giá. Cụ thể, với RON 95 đang được bù 283 đồng/lít.
Do xăng RON 92 đã bị khai tử từ 1/1/2018 để nhường chỗ cho xăng E5 nên chỉ còn giá xăng RON 95 để so sánh lịch sử của giá xăng. Giá xăng ở vùng 1 cũng được dùng để so sánh. (Giá vùng 2 là các địa bàn xa trung tâm, cảng biển có mức giá cao hơn).
Loạt doanh nghiệp âm nặng Quỹ bình ổn giá
Từ đầu năm đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi mạnh Quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Ngay cả khi Quỹ này đang bị âm ở nhiều doanh nghiệp, việc xả quỹ vẫn tiếp tục được thực hiện.
Trước thời điểm 16 giờ 00 ngày 2/5/2019, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex là âm 355 tỷ đồng. Đây là số ước tính và đã được làm tròn số.
Một ông lớn xăng dầu khác là PVOil cũng âm gần 500 tỷ đồng.
Quỹ âm nặng trong khi vẫn xả Quỹ bình ổn khiến nhiều doanh nghiệp tạm thời phải dùng tiền tự có/hoặc vay ngân hàng để bù vào. Một cách khác là đẩy mạnh bán xăng RON 95, hạn chế bán E5 do xăng E5 có mức xả Quỹ bình ổn giá lớn hơn nhiều.
Saigon Petro, trong kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Tài chính cũng thừa nhận: Đối với các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, thì Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối đó sẽ giảm đáng kể (không loại trừ sẽ bị âm) trong khi các DN đầu mối không có mặt hàng xăng E5 thì Quỹ bình ổn giá vẫn được đảm bảo.
“Điều này sẽ không khuyến khích các DN đầu mối kinh doanh mặt hàng xăng E5”, Saigon Petro nêu ý kiến.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Petrolimex mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, cựu Chủ tịch Petrolimex, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cho rằng: Quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi. Đây là nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có.
Theo vị Phó chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, khi quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp âm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải vay ngân hàng để bù lại.
|
Có 2 nhà máy lọc dầu nhưng giá xăng dầu vẫn dựa trên giá thế giới để tính toán. |
Ước tính với số âm Quỹ bình ổn hiện ở mức 380-400 tỷ đồng, nếu nhà điều hành tiếp tục quyết định xả Quỹ bình ổn, sẽ gây bội chi quỹ này. "Đây là rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đi vay ngân hàng bù lại, nhưng nếu không có khoản hoàn trả thì ngân hàng có thể dừng cho vay", ông nói và đề nghị các doanh nghiệp, trong đó có Petrolimex, cần kiến nghị kịp thời với cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu.
"Chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem xét lại", ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ.
Kịch bản nào cho giá xăng sắp tới?
Hiện nay, dù hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn đã đáp ứng 80% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước, nhưng giá bán mặt hàng này vẫn dựa theo giá thế giới để tính toán mức tăng/giảm. Cho nên, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc mạnh vào diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước có thể rơi vào trạng thái tăng - giảm không nhịp nhàng theo giá thế giới. Điều này đã được minh chứng trong suốt 4 tháng đầu năm nay. Giá thế giới tăng liên tục, thuế bảo vệ môi trường tăng kịch khung nhưng giá xăng dầu trong nước được “nén lại” bằng cách xả Quỹ bình ổn giá.
Nay, Quỹ bình ổn giá ở các doanh nghiệp đầu mối lớn đã bị âm, cho nên nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, thì giá xăng dầu trong nước cũng leo thang đáng kể. Bởi lẽ, dư địa dùng Quỹ gần như đã cạn. Khi đó, "vùng giá lịch sử" của RON 95 sẽ sớm bị phá vỡ.
Còn trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, thì giá xăng dầu trong nước khó có thể giảm mạnh theo. Bởi vì nhà điều hành sẽ phải cân nhắc để trích lập lại Quỹ bình ổn giá để dùng khi cần. Điều này đã được áp dụng khi giá xăng dầu giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2018 thì giá xăng dầu trong nước không giảm tương ứng.
Theo Lương Bằng/Vietnamnet