Big C dừng nhập hàng may mặc Việt: 'Bom hiểm' chực chờ Central Group?

Google News

(Kiến Thức) - Khi dừng nhập hàng may mặc Việt Nam, việc các doanh nghiệp may mặc Việt Nam phản đối Central Group hay Big C chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực chất, quả bom đang đặt cạnh Central Group và Big C chính là người tiêu dùng.

Vụ việc Tập đoàn Central Group của Thái Lan gửi thông báo tạm ngưng nhập hàng may mặc của doanh nghiệp cung ứng Việt Nam không chỉ của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam bức xúc phản đối mà hàng triệu tiêu dùng Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm trong mấy ngày vừa qua.
Theo thông báo của Central Group Việt Nam, việc dừng mua các sản phẩm may mặc trong nước nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam. Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mới đây, ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Central Group Việt Nam một lần nữa nêu lý do về việc Big C tạm ngưng nhập hàng may mặc của doanh nghiệp cung ứng Việt Nam là do Tập đoàn Central Group đang có những chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại hệ thống phân phối tại Việt Nam và việc tạm dừng mua hàng nằm trong chiến lược đó.
Big C dung nhap hang may mac Viet: 'Bom hiem' chuc cho Central Group?
Việc Big C ngừng nhập hàng may mặc Việt khiến dư luận bức xúc. Ảnh: VTC.  
Tuy nhiên, ngay khi thông báo được phát đi đã gặp sự phản ứng của hàng trăm người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may khi họ kéo đến tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở TP Hồ Chí Minh, căng băng rôn biểu ngữ, phản đối động thái từ chối nhập hàng may mặc Việt Nam của Central Group. Đáng chú ý, cũng từ thời điểm này, trên mạng xã hội, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã nêu quan điểm kêu gọi tẩy chay Big C, thậm chí cả hàng hóa của người Thái khác đang kinh doanh tại Việt Nam.
Trên thực tế, hiện nay không có quy định nào quy định về tỷ lệ hàng hóa nội trong các siêu thị ngoại tại Việt Nam. Bởi vậy, việc Tập đoàn Central Group của Thái Lan thay đổi chiến lược kinh doanh mới, GO! Market với mặt hàng kinh doanh chất lượng cao nhiều hơn, nên cơ cấu lại nhóm ngành hàng rõ ràng là chiến lược kinh doanh của họ và đó là quyền của họ cần được tôn trọng. Tất nhiên, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cũng có quyền phản ứng và người tiêu dùng Việt Nam cũng có quyền tẩy chay.
Theo diễn biến mấy ngày vừa qua, việc các doanh nghiệp may mặc Việt Nam phản đối Central Group hay Big C chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực chất, quả bom đang đặt cạnh Central Group và Big C chính là người tiêu dùng. Bởi trên thực tế, người tiêu dùng là giá trị cốt lõi đối với các nhà cung cấp hàng gia dụng như chuỗi siêu thị Big C.
Khi Tập đoàn Central Group của Thái Lan đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, ngoài việc tôn trọng hợp đồng đã ký giữa các bên và pháp luật Việt Nam, họ còn phải đặc biệt quan tâm đến người tiêu dùng Việt. Bởi người tiêu dùng Việt Nam vốn có tinh thần dùng hàng Việt Nam cao, việc Big C ngưng nhập hàng may mặc Việt Nam dù lý do được đưa ra nằm trong chiến lược xác lập lại hệ thống cửa hàng của Central Group hay chiến lược kinh doanh của tập đoàn này thì đương nhiên họ phải tự chịu trách nhiệm khi gặp sự phản ứng của người tiêu dùng.
Hơn nữa, có một thực tế, từ ngày đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đến nay, Big C không dành được nhiều thiện cảm từ người tiêu dùng Việt Nam khi đã không ít lần lật kèo dù doanh nghiệp này từng khẳng định sẽ ưu tiên hàng Việt và hứa 90% hàng Việt sẽ có mặt tại chuỗi siêu thị này. Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã phải ngao ngán với cách kinh doanh của Big C khi Thế giới di động đã buộc phải ra khỏi hệ thống siêu thị này, nhiều nhà cung ứng Việt cũng đã phải méo mặt khi Big C tăng chiết khấu lên 25 - 30% giá trị khiến họ không thể bày bán tại đây. Ngay việc ngưng nhập hàng may mặc Việt Nam một cách đột ngột, Central Group cũng khiến ảnh hưởng đến không chỉ các nhà cung ứng, doanh nghiệp may mặc Việt mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của hàng trăm, hàng nghìn người dân trên cả nước.
Trên thực tế, ngay khi thông tin Big C ngưng nhập hàng may mặc Việt Nam, trên mạng xã hội đã có nhiều người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay Big C. Cụ thể, theo tài khoản Tú Bùi bình luận: “Từ ngày bỏ ra hơn một tỷ USD (23.300 tỷ đồng) mua lại Big C từ tay tập đoàn Casino của Pháp, Central Group đã âm thầm đưa sản phẩm "Made in Thailand" vào hệ thống siêu thị này từ các loại bia, nước ngọt đến giày dép đều được bố trí tại những vị trí đẹp nhất trong siêu thị. Đối với nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam, Central Group đã đưa ra những yêu cầu như nâng mức chiết khấu cao khiến doanh nghiệp không thể chen chân được vào chuỗi siêu thị Big C như mức chiết khấu với hàng thủy sản Việt Nam lên đến 20%, thậm chí 25% khiến doanh nghiệp Việt sẽ bị lỗ, không có lãi để tái đầu tư nên không thể bày bán trong siêu thị này. Nay đến việc Big C ngưng nhập hàng may mặc Việt Nam thì đúng là giọt nước tràn ly. Nên việc tẩy chay Big C là một phản ứng đúng đắn của người tiêu dùng Việt”.
Thực tế, nhiều câu chuyện về các doanh nghiệp trên thế giới từng gây phản ứng của người tiêu dùng đã phải lâm cảnh khủng hoảng doanh thu như năm 2018, thương hiệu thời trang nổi tiếng Dolce & Gabbana đã bị cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc tẩy chay liên quan một clip quảng bá cho The Great Show mà Dolce&Gabbana đăng tải trên Instagram và Weibo được cho là đã không tôn trọng văn hóa truyền thống về cách sử dụng đũa cũng như những món ăn của Trung Quốc. Việc này khiến Dolce & Gabbana bị thiệt hại doanh thu khi mất đi một lượng khách hàng lớn từ đất nước tỷ dân này.
Câu chuyện Dolce & Gabbana bị tẩy chay tại Trung Quốc chưa cũ và là bài học cho nhiều doanh nghiệp trong ứng xử với người tiêu dùng đất nước bản địa nơi họ kinh doanh.
Mới đây, Tập đoàn Central Group của Thái Lan sau khi gặp sự phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng Việt khi ngưng nhập hàng may mặc Việt Nam đã có những động thái mới. Theo đó, Central Group Việt Nam đang xem xét lại hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp và mở lại đơn hàng cho 50 nhà cung ứng. Trong 2 tuần tới, Central Group Việt Nam dự định gặp các nhà cung cấp hàng đầu trong ngành dệt may hiện tại để trao đổi kỹ hơn về những yêu cầu của công ty với hy vọng sẽ hợp tác lâu dài cùng nhau và hy vọng sẽ tiếp tục mở đơn hàng cho 100 nhà cung cấp.
Tuy nhiên, qua vụ việc trên cũng cho thấy, doanh nghiệp Việt cũng có một bài học để tỉnh ngộ và phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như làm chủ các kênh phân phối. Bởi nếu hàng may mặc của Việt Nam có sức cạnh tranh thì rõ ràng, Central Group Việt Nam vẫn phải bán do nhiều người tiêu dùng quan tâm và đương nhiên chuỗi siêu thị này cũng có lợi nhuận.
Hải Ninh