Bộ Công Thương báo cáo gì Thủ tướng về những ‘lùm xùm’ xuất khẩu gạo?

Google News

Ngày 21/4, Bộ Công Thương cho hay, đã có báo cáo gửi Thủ tướng về tổng thể các vấn đề liên quan đến những “lùm xùm” xung quanh xuất khẩu gạo cũng như công tác điều hành và phối hợp giữa các bộ, ngành thời gian qua.

Trong văn bản dài 7 trang, Bộ Công Thương cho hay, việc điều hành xuất khẩu gạo được thực hiện trên cơ sở tổng hợp cuộc làm việc có đầy đủ đại diện các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp ngày 26/3. Hai ngày sau đó, Bộ Công Thương đã có văn bản số 223 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, đánh giá và kiến nghị phương án điều hành xuất khẩu gạo với đầy đủ ý kiến các bộ ngành, doanh nghiệp đóng góp cũng như giải trình vì sao không tiếp thu một số ý kiến.
Theo Bộ Công Thương, trong báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành và sau đó là của Bộ về tình hình, dự báo cũng như phương án và phương thức điều hành xuất khẩu gạo... Bộ Tài chính không phản đối hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng như phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS). Trong cả 2 lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia”rồi sau đó mới điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".
Bo Cong Thuong bao cao gi Thu tuong ve nhung ‘lum xum’ xuat khau gao?
Bộ Công Thương cho hay, đã có báo cáo gửi Thủ tướng về tổng thể các vấn đề liên quan đến những “lùm xùm” xung quanh xuất khẩu gạo
“Đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển bởi bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ - loại cấm xuất khẩu và gạo thơm - loại được phép xuất khẩu”, Bộ Công Thương nêu ý kiến.
Không tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính vì bất cập, làm tăng chi phí của DN
Về việc Bộ Tài chính cho rằng phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch, Bộ Công Thương cho hay, trong cả 2 lần góp ý cho báo cáo của Đoàn kiểm tra và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các "bất cập" của phương thức điều hành này. Ý kiến này của Bộ Tài chính xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 10/4 tại văn bản số 4355, khi mà phương thức FCFS đã được đề xuất công khai trước đó 13 ngày và Thủ tướng Chính phủ, sau khi cân nhắc tất cả các ý kiến tham gia, đã có văn bản chỉ đạo về phương thức điều hành xuất khẩu gạo.
Trước khi đề xuất phương thức FCFS, đoàn kiểm tra liên ngành đã thận trọng tham khảo ý kiến Tổng cục Hải quan về tính khả thi của đề xuất. Trong suốt 2 tuần sau khi báo cáo và phương án điều hành của Đoàn kiểm tra được công bố, Bộ Công Thương không nhận được ý kiến nào khác của cả Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.
“Bộ Công Thương khẳng định phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các Bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ. Các doanh nghiệp đã có hàng tại cảng chắc chắn sẽ ở vị thế ưu tiên số 1, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng thông tin về việc trong suốt 2 tuần sau khi phương án được công bố, Bộ Công Thương không nhận được ý kiến trái chiều nào về phương thức FCFS. Đáng tiếc là sau đó, việc triển khai cơ chế FCFS trên thực tế đã để xảy ra một số sự việc mà theo nhận xét của các doanh nghiệp là thiếu phối hợp, thiếu công khai, thiếu minh bạch, gây thêm khó khăn. Cụ thể là việc hải quan mở 100% container gạo để kiểm hóa, yêu cầu cân 100% các container gạo để kiểm tra trọng lượng…dẫn đến chi phí tăng cao. Các ý kiến này đã được Bộ Công Thương tổng hợp chuyển tới Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
“Đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15-20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây”, Bộ Công Thương cho hay.
Về việc dự trữ gạo quốc gia, theo báo cáo, việc điều hành xuất khẩu gạo được thực hiện theo tham vấn của các bộ ngành và đã tính cả lượng dành cho dự trữ quốc gia. Bộ Công Thương vẫn đề xuất và được các Bộ, ngành đồng ý về việc để lại thêm 300 nghìn tấn từ số lượng xuất khẩu để giúp Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020. Nếu vẫn không mua được thì Bộ Tài chính cần có sự đánh giá lại để làm rõ hơn vì sao lại không thể thực hiện được chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, các doanh nghiệp trúng thầu gạo quốc gia nhưng bỏ thầu đồng nghĩa bị phạt, mất tiền bảo đảm dự thầu (1%-3% giá trị gói thầu) cho Bộ Tài chính. Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về giao dịch dân sự, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Đề xuất cấm các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu là đề xuất không có cơ sở pháp lý. Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội nhưng cơ quan nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy.
Theo Phạm Tuyên / Tiền Phong