Nội dung được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết tại báo cáo cuộc họp chiều 18/8 về việc hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
|
Theo giới chuyên gia, nếu chọn tính điện một giá, hộ dùng ít có thể phải chịu tiền điện cao hơn trước đây, trong khi dùng nhiều lại được giảm. |
Ông Tuấn cho biết: Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các khách hàng sử dụng điện phản ánh trên truyền thông, Cục Điều tiết điện lực kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rút các phương án giá điện 2A và 2B, là các phương án liên quan đến việc cho phép người dân lựa chọn dùng điện một giá và điện bậc thang.
Theo đó, ông Tuấn cho hay sẽ tiếp tục xin ý kiến về phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân.
Cơ quan này sẽ phối hợp với văn phòng Bộ với tinh thần cầu thị, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ ngành, các địa phương, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và khách hàng sử dụng điện để hoàn chỉnh phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện cho sinh hoạt của người dân.
Thời gian tới, Cục Điều tiết điện lực sẽ phối hợp các đơn vị trong Bộ thực hiện thẩm định theo quy định và trình Thủ tướng xem xét quyết định theo đúng trình tự thủ tục xây dựng các văn bản pháp luật.
Vẫn theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, thời gian qua Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến tham gia của các học giả, các nhà báo, các khách hàng sử dụng điện liên quan đến các phương án cho phép người dân lựa chọn điện một giá và điện bậc thang.
Theo đánh giá của Cục, các phương án giá 2A và 2B mặc dù có ưu điểm như sẽ cho thêm khách hàng được lựa chọn biểu giá theo phương án 1 giá hoặc bậc thang nhưng hạn chế lớn nhất là không khuyến khích được khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, trong khi đây là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ Công Thương.
|
Phương án 2A với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá bằng 145%. |
|
Phương án 2B có mức giá bán lẻ điện một giá là 155% so với giá bán lẻ điện bình quân. |
Trong dự thảo mới nhất về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất cách tính một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 2.704-2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT. Bộ Công Thương hy vọng phương án tính giá điện mới sẽ tăng thêm lựa chọn cho khách hàng, giúp hài hòa lợi ích giữa người dân và ngành điện. Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ nhiều băn khoăn về cách tính mới và mức giá dự kiến áp dụng.
Theo đó, trả lời VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng phương án điện một giá trên chỉ là giải pháp mang tính tình thế, tồn tại nhiều bất cập, không thể áp dụng lâu dài. Nguyên nhân do mức giá bán như trên cao hơn mức bình quân, nên người có thu nhập cao, dùng nhiều điện sẽ chọn phương án điện một giá. Ngược lại người có thu nhập thấp, sử dụng ít chịu thiệt thòi.
“Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải đảm bảo nhiều mục tiêu như hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo an sinh xã hội, lại khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm… nên nếu áp dụng điện một giá như đề xuất thì sẽ không có lợi cho người có thu nhập thấp, trong khi đây là nhóm đối tượng cần hỗ trợ”, ông Long nói.
Ông Long cũng cho rằng dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này chưa khắc phục được thực trạng giá điện sinh hoạt cao hơn sản xuất, bù chéo cho các ngành khác, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 30% tổng sản lượng điện.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách Khoa Hà Nội), cho biết, khi xây dựng biểu giá điện, ngành điện hướng đến có tối thiểu ba mục tiêu phản ánh chi phí, sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện năng, và tính đến các yếu tố an sinh xã hội.
“Nguyên lý tính giá chia bậc thang rõ ràng người sử dụng ít đang có lợi rất nhiều. Tức là càng dùng nhiều sẽ càng chịu giá cao. Nếu lấy giá bình quân, đương nhiên người nghèo sẽ trả giá cao hơn, liệu chính sách an sinh xã hội còn đảm bảo nữa hay không?”, ông Hồi đặt câu hỏi.
Trong khi đó, về mức giá dự kiến từ 2.703-2.890 đồng một kWh, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, cho rằng cao so giá bình quân. “Một giá thì phải cao hơn giá bình quân. Tuy nhiên, để đưa ra những con số cụ thể, cơ quan soạn thảo gần làm rõ với dư luận cơ sở về những con số này”, ông Long nói.
Theo Hoàng Hưng/VTcnews