Kỹ năng giao tiếp, ứng xử
Thường xuyên phải giao tiếp với khách hàng và đồng nghiệp là một trách nhiệm quan trọng của bất kỳ nhân viên bán hàng nào. Chỉ đơn thuần có một sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng để bán là chưa đủ, vì khách hàng tiềm năng cần được giải thích kỹ càng về chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ đó cũng như cách nó có thể cải thiện cuộc sống của họ. Chuyên viên bán hàng đại diện cho hình ảnh của công ty trong mắt khách hàng, nên việc tạo được sức hút và giao tiếp hiệu quả lại càng quan trọng hơn.
Một số kỹ năng giao tiếp thiên về mặt kỹ thuật, chẳng hạn như thông thạo ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba, biết cách viết báo cáo rõ ràng và chính xác, thoải mái khi nói trước đám đông… Số khác có thể học hỏi và cải thiện dựa trên tính cách và IQ - EQ như kết nối, biết cách xây dựng mối quan hệ, tận tâm với khách hàng, đàm phán có sức thuyết phục,... Do đó, khi nói đến cách viết CV xin việc bán hàng, bạn cần thể hiện được rằng bạn có các kỹ năng có thể thu hút được khách hàng tiềm năng quan tâm đến các sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn đang bán và duy trì hình ảnh tốt đẹp của công ty.
Kỹ năng lắng nghe
Làm một nhân viên bán hàng, bạn không thể lúc nào cũng chỉ nói, bạn còn cần phải lắng nghe. Giao tiếp hiệu quả với khách hàng tiềm năng và đồng nghiệp không chỉ dừng lại ở khả năng diễn đạt ý tưởng và thuyết phục đối phương. Kỹ năng lắng nghe cũng quan trọng không kém vì nó giúp bạn hiểu đúng sản phẩm hoặc dịch vụ bạn đang bán, và quan trọng hơn là hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng tiềm năng. Những khách hàng cảm thấy được lắng nghe và nhận được sự quan tâm tích cực từ nhân viên bán hàng chắc chắn sẽ có nhiều khả năng quyết định mua hàng hơn.
Sự chủ động, linh hoạt
Những nhân viên bán hàng thành công nhất thường có tính chủ động cao trong việc tìm kiếm khách hàng mới và phát triển các chiến lược bán hàng mới. Họ có mong muốn tự nhiên được học hỏi thêm về công ty, về các sản phẩm hoặc dịch vụ họ đang bán để có được thông tin cần thiết cho vị trí của họ.
Bên cạnh đó, nhân viên bán hàng cũng cần có khả năng thích ứng nhanh với môi trường, ứng phó hiệu quả với các tình huống xảy ra khi tương tác với khách hàng. Vì vậy, CV xin việc bán hàng của bạn phải cho thấy rằng bạn là người chủ động, xử lý tình huống nhanh nhẹn để mang lại hiệu quả cho công ty.
Có tổ chức
Nhân viên bán hàng không chỉ lúc nào cũng bay nhảy ở ngoài, vi vu đi thuyết phục khách hàng bằng khả năng giao tiếp xuất chúng. Họ cũng cần kỹ năng sắp xếp thời gian, tổ chức công việc có logic. Bởi những người làm công việc bán hàng thường phải quản lý nhiều khách hàng khác nhau, cộng thêm hàng tá việc tại văn phòng, họ phải có đầu óc hoạch định rất mạnh mẽ. Khả năng nhanh chóng tìm kiếm, chia sẻ thông tin với khách hàng có thể tạo ra điểm quyết định giữa việc bán được hàng và mất khách hàng.
Đam mê "chốt đơn" mãnh liệt
Bán hàng là một lĩnh vực định hướng kết quả cao, nơi thành tựu và thất bại tương đối dễ xác định bằng cách phân tích doanh thu bán hàng. Mong muốn không ngừng đạt được mục tiêu doanh số và đáp ứng các mục tiêu của công ty có lẽ là phẩm chất quan trọng nhất mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm khi lựa chọn một ứng viên cho vị trí bán hàng. Khó khăn, thất bại trong đàm phán một hợp đồng mua sản phẩm, dịch vụ cũng là điều không thể tránh khỏi. Do đó, khả năng không ngừng cố gắng và duy trì tham vọng chốt giao dịch bất chấp những thất bại trước đó là yếu tố quan trọng cho sự thành công lâu dài của một chuyên viên bán hàng.
Bán hàng là một công việc đòi hỏi sự đa năng và cần nhiều công sức. Hãy cố gắng thể hiện ngay từ bản CV xin việc bán hàng rằng mình có kỹ năng xứng tầm để chinh phục vị trí nhân viên kinh doanh nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo Giadinh