Bánh canh... mang vị gia đình
Nhanh tay múc một nồi bánh canh cho thực khách, anh Đỗ Thanh Long (35 tuổi, chủ quán) cho hay, quán có điểm đặc biệt là thực khách sẽ được thưởng thức món ăn trong nồi. Nghĩa là 2-3 người sẽ cùng chia sẻ với nhau một nồi bánh canh, giống một bữa cơm trong gia đình.
Anh Long cho hay, ý tưởng này xuất phát từ tình yêu gia đình, đặc biệt là từ mẹ và bà của anh.
|
Từ một nhân viên văn phòng với mức lương mơ ước, Đỗ Thanh Long chấp nhận bỏ ngang để khởi nghiệp bán bánh canh cua (Ảnh: Nguyễn Vy). |
"Đối với tôi, yếu tố gia đình trong một bữa ăn rất quan trọng. Khách hàng có thể đến ăn mỗi người một tô, nhưng khi cùng nhau san sẻ nồi bánh canh thì cảm giác khác lắm. Nhiều gia đình có đủ 3 thế hệ cũng đã đến ăn tại quán, họ cùng chia sẻ nồi bánh canh giống như đang ăn cùng nhau ở nhà vậy", Long nói.
Anh Long cho hay, 4h mỗi ngày, anh phải thức dậy để chuẩn bị nguyên liệu, hầm xương để làm nước dùng. Nước dùng được hầm không chỉ có xương heo mà còn có tôm khô, mực, lòng đỏ trứng gà,... Bánh canh được ăn cùng cua, tôm, chả, thịt, trứng, tạo nên vị thơm ngon độc đáo.
Tại đây, bánh canh cua có giá 47.000 đồng/tô và 100.000 đồng/nồi cho 2-3 người ăn. Thực khách liên tục tới thưởng thức nên quán phải có 6-7 nhân viên mới kịp phục vụ.
|
Với 9 loại topping, thực khách luôn cảm nhận được nhiều hương vị hòa lẫn vào nhau, tạo cảm giác lạ miệng khi ăn (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Nói về cảm hứng khởi nghiệp, anh Long bộc bạch rằng ngay từ nhỏ anh đã có niềm đam mê ẩm thực, nhờ những món mà mẹ nấu. Năm 15 tuổi, Long từng xin vào làm thêm tại quán cơm chay chỉ để quan sát chủ quán vận hành quán ăn như thế nào.
Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, anh Long làm việc tại một công ty dược với mức lương hơn 1.000 USD. Thu nhập cao, cuộc sống khá ổn định nhưng lại khiến Long không mấy hạnh phúc sau những giờ tan ca. Bởi, đam mê khởi nghiệp bán thức ăn luôn "nung nấu" trong lòng anh.
Vừa làm việc tại cơ quan, anh Long tranh thủ thời gian rảnh để làm các công việc tự do liên quan đến nấu ăn. Năm 2012, mẹ Long bắt đầu mở bán nhiều món ăn trưa nên mỗi cuối tuần, anh đều về nhà phụ mẹ.
Từ đó, kỹ thuật nấu ăn của anh ngày càng được nâng cao hơn. Năm 2019, sau khoảng thời gian đắn đo, Long quyết định nộp đơn xin nghỉ việc.
|
Món bánh canh cua nồi của anh Long được nhiều gia đình ưa chọn bởi mang cảm giác ấm cúng khi ăn (Ảnh: Nguyễn Vy). |
"Lúc đó gia đình bất ngờ và phản đối kịch liệt. Do bố mẹ là lao động chân tay nên rất thấu hiểu nỗi vất vả ấy. Bản thân tôi trước giờ chỉ làm văn phòng nhưng ít khi làm việc nặng nhọc nên bố mẹ rất lo tôi sẽ không gánh vác nổi", anh chia sẻ.
Thế nhưng, gạt qua tất cả, Long bắt đầu khởi nghiệp bán bánh canh cua từ số vốn 70 triệu đồng tích cóp.
Đưa bánh canh cua đến bạn bè quốc tế
Là một người cầu toàn, ngay từ đầu chàng trai 8X mong muốn sản phẩm luôn chỉn chu đến với khách hàng. Bàn ghế gỗ đặt ở quán, Long phải đi ra tận Phú Yên để tìm mua. Phần rế lót nồi cũng do chính tay chàng trai lặn lội xuống quê nhà Bến Tre để tìm.
Không có kinh nghiệm khởi nghiệp, trong tuần đầu, Long từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc rồi bật khóc nức nở.
"Bố mẹ còn phải quán xuyến quán ăn nên chỉ có tôi và một người chị phải lo hết mọi thứ. Có những đêm bán đến tận khuya, mưa xuống, nước ngập cuốn trôi bàn ghế, tôi thấy tủi thân lắm. Nhưng nhờ có bố mẹ động viên, tôi lấy đó làm động lực cố gắng, chứ lỡ tiêu 70 triệu đồng vô rồi, bỏ sao được", anh Long cười, nói.
Cùng lúc đó, Long cũng nhận được đề nghị đi làm lại với mức lương nghìn đô. Song, chàng trai vẫn quyết tâm "phóng lao thì phải theo lao".
Lấy ý tưởng món ăn gia đình, Long càng được thực khách đón nhận hơn. Chỉ trong 2 tháng khởi nghiệp, chàng trai đã có lượng khách nhất định.
"Thấy bố mẹ bán theo kiểu truyền thống, vất vả nhưng lợi nhuận không cao, Long thuyết phục gia đình quay về phát triển quán bánh canh cua cùng với mình. Đây là quán ăn gia đình đúng nghĩa. Nên tôi xác định tất cả mọi thứ đều liên quan đến tình yêu gia đình", Long nói.
Không chỉ trong nước, món bánh canh cua của anh còn đến được với du khách nước ngoài. Đôi lúc, những đoàn khách nước ngoài hơn 10 người đến phải xếp hàng chờ được ăn bánh canh trước khi về nước. Nhiều du khách còn quay lại nhiều lần, dắt thêm bạn đến ăn món bánh canh cua.
"Nhớ nhất là cặp đôi người Canada. Chỉ còn vài tiếng nữa là lên máy bay trở về nước nhưng vẫn cố nán lại ăn bánh canh cua. Họ nói rằng "đây là món ăn cuối cùng của chúng tôi trong kỳ nghỉ tại Việt Nam, và nó thật xứng đáng" khiến tôi rất xúc động", anh trải lòng.
Năm 2021, mẹ Long đột ngột qua đời vì cơn suy tim khiến cho chàng trai không khỏi suy sụp. Để vượt qua cú sốc ấy, Long chọn học cách chấp nhận.
"Thỉnh thoảng, tôi nằm mơ thấy mẹ về cười với mình. Tôi cảm nhận bản thân mình đang đi đúng hướng và có thể làm mẹ tự hào ở nơi xa. Mẹ từng là người đồng hành mọi thứ nên tôi biết rằng mình phải nhanh chóng vượt qua, bước tiếp", Long xúc động, nói.
Chỉ sau vài tuần từ ngày mẹ mất, anh Long đã đẩy xe bánh canh đi bán tiếp. Chàng trai luôn nhớ lời mẹ dặn rằng "người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết". Vì vậy, hễ thấy người có hoàn cảnh khó khăn, anh Long sẵn sàng mời họ một tô bánh canh cua ăn cho ấm bụng.
"Đối với tôi, một món ăn mang đến với mọi người, phải đặt hoàn toàn cái tâm vào thì mới ngon được. Ngoài mẹ, tôi còn một người bà ở quê, người thay mẹ truyền động lực cho tôi tiếp tục cố gắng", anh Long tâm sự.
Theo Nguyễn Vy/Dân Trí