Bỏ việc văn phòng, 9x trở về dựng nhà xưa, khách thi nhau đặt mua

Google News

Những ngôi nhà xưa này được nhiều người ưa chuộng, ngợi khen và không ít người trong số đó muốn sở hữu nó.

Như bao người khác, khi tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông vận tải, Phạm Tuấn Anh (quê ở Nghệ An) đi làm thuê theo nghề mà anh theo học. Vì làm trong ngành xây dựng, anh thường xuyên phải đi xa.

“Ban đầu mới làm, tôi cũng khá hứng thú và chỉ nghĩ kiếm tiền nuôi bản thân là quá đủ rồi, cần gì phải đam mê hay thích thú thứ gì. Nhưng làm lâu, tôi cảm thấy công việc nhạt quá nên quyết định bỏ về quê làm việc văn phòng”, anh cho hay.

Khi làm việc văn phòng, anh lại cho rằng các công việc này quá rập khuôn, không thích hợp. Anh quyết định nghỉ và chuyển hướng khác. Trong khoảng thời gian làm việc tại quê, anh cũng tham gia các hoạt động của thôn, xã. “Tôi thật may mắn khi tham gia hội làm mô hình sa bàn trong một lần xã tổ chức hội trại. Lúc này, tôi mới thấy công việc làm các mô hình rất hay và cuốn hút, phù hợp với tính cách và suy nghĩ của tôi. Bởi công việc này liên quan nhiều đến sự tỉ mỉ, sáng tạo”, anh cười nói.

Mô hình đầu tiên anh làm là "Ngoại tôi", mô tả lại ngôi nhà của bà ngoại anh.

Nghỉ việc văn phòng, anh bắt tay ngay vào làm mô hình “Ngoại tôi” bằng nguyên liệu bìa carton, vỏ lon nước ngọt.... Ở mô hình này, anh mô phỏng lại ngôi nhà bà ngoại anh ở. Ngay sau khi đăng lên mạng khoe với mọi người, một ca sĩ nổi tiếng đã ngỏ lời mua và hiện đang sở hữu mô hình này. Với anh, việc một ca sĩ nổi tiếng sở hữu mô hình của anh là động lực lớn giúp anh phát triển tiếp công việc này.

Sau này, anh đều làm mô hình nhà xưa. Bởi anh cho rằng nó gợi lại cho anh nhiều kỷ niệm, nó mộc mạc và gần gũi với đời sống hàng ngày. Anh muốn lưu giữ và truyền cảm hứng giúp mọi người nhớ lại một phần ký ức tuổi thơ.

Từng chi tiết nhỏ, anh đều sử dụng các nguyên vật liệu phù hợp để mô tả lại.

Theo anh, các sản phẩm này có thể làm mất từ 7-14 ngày.

Tuy nhiên, để làm được như bây giờ, 9x gặp khá nhiều khó khăn, từ vật liệu, tạo hình và sơn màu… Trong đó, sơn màu là công đoạn anh thấy khó khăn nhất, “vì tôi chưa được học qua trường lớp nào, toàn tự mày mò và học hỏi trên mạng”, anh chia sẻ.

Nam 9x cũng cho biết để hoàn thiện một sản phẩm thông thường sẽ trải qua 5 bước: lên ý tưởng và lập bản vẽ; cắt và dựng mô hình thô; làm các chi tiết nhỏ hơn; sơn màu và gắn các chi tiết nhỏ lên mô hình; làm đế và hoàn thiện mô hình.

Theo anh, công đoạn sơn màu khá quan trọng. Vì ngay thời điểm pha màu, người làm phải biết cách và anh khổ công tập luyện để có được như hiện tại. Việc pha màu và sơn màu quyết định rất nhiều đến việc mô hình đó có chân thực và cổ kính hay không.

Giá bán của mỗi mô hình này cũng khác nhau, tùy thuộc vào công sức và vật liệu bỏ ra.

Ngoài ra, việc làm các chi tiết nhỏ trong mô hình yêu cầu sự tỉ mỉ và chỉn chu, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ thì sẽ làm ảnh hưởng đến cả sản phẩm. Thế nên, mỗi khi làm chi tiết nhỏ, anh thường tìm nơi thoáng đãng, mát mẻ và ở một mình để có thể tập trung.

Đến nay, anh đã làm được khoảng hơn 20 mô hình. Các mẫu này một phần anh tự nghĩ ra và lên ý tưởng, một phần là lên mạng xem ảnh rồi về thiết kế để dựng lên. Trong số đó, anh thấy ưng ý nhất là mô hình “Lãn ông” mới đây anh hoàn thiện. “Vì đây là bộ sản phẩm chi tiết nhất, tôi cũng dành nhiều tâm huyết, thời gian và công sức nhất để hoàn thiện”, anh lý giải.

Mô hình "Lãn Ông" - sản phẩm anh ưng ý nhất từ trước tới giờ.

Các mô hình này anh cũng có bán với nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc theo công sức và vật liệu bỏ ra. Trung bình anh mất khoảng 7 ngày cho một sản phẩm thông thường, còn các sản phẩm đòi hỏi tính tỉ mỉ cao hơn sẽ mất khoảng 15 ngày.

Ngoài việc làm các mô hình theo ý tưởng, anh còn làm theo ý tưởng của khách hàng.

Để phát triển đam mê của mình và truyền cảm hứng cho mọi người, anh dự định trong tương lai sẽ mở một quán café để trưng bày các mô hình do anh làm ra. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, anh sẽ mở lớp hoặc thành lập xưởng để đào tạo cho những người có cùng sở thích.

Theo Anh Thư/Dân Việt