Mỗi ngày làng "mất trắng" 30 tấn bún
Sáng sớm chúng tôi đến làng bún Phú Đô, khung cảnh trong làng trầm lắng hơn so với trước đây. Gặp chúng tôi ông Nguyễn Văn Họa, Chủ nhiệm Làng nghề bún Phú Đô bức xúc cho biết: "Hơn 400 năm làm nghề, người dân chúng tôi đều thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất bún từ cha ông truyền lại. Hiện trong làng có hơn 200 hộ trực tiếp sản xuất bún, 300 hộ kinh doanh bún. Trước đây mỗi ngày làng chúng tôi bán ra thị trường (chủ yếu là Hà Nội) trên 60 tấn bún. Thế nhưng, hơn hai tuần nay, sau khi TPHCM công bố phát hiện một số đơn vị sản xuất bún có tẩm chất huỳnh quang (tinopal) thì làng bún chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỗi ngày làng chúng tôi "mất trắng" 30 tấn bún, giảm một nửa sản lượng so với trước đây. Đời sống người làm nghề lâm vào khó khăn".
Biết chúng tôi là phóng viên đến nhà ông Họa để trao đổi thông tin, các hộ dân trong làng kéo đến, họ tha thiết cầu khẩn các cơ quan chức năng vào cuộc để họ được minh oan. Bởi những thông tin bún nhiễm hóa chất đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất của người làm bún nơi đây. Sản xuất ngừng trệ, bún sản xuất ra tiêu thụ rất chậm. Và đặc biệt uy tín của làng nghề bị người tiêu dùng hồ nghi.
|
Làng bún Phú Đô sầm uất không phải nhờ bún mà nhờ bán đất. |
Khóc than vì... ế
Ông Họa dẫn chúng tôi sang nhà ông Nghiêm Văn Công, một trong những gia đình sản xuất bún nhiều nhất trong làng. Vừa gặp chúng tôi, ông Công than thở: "Từ khi có thông tin bún bị tẩm hóa chất trong miền Nam, làng chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bún gia đình chúng tôi làm chủ yếu nhập cho các nhà hàng và các chợ ở Hà Nội, nhưng từ khi có thông tin đó lượng bún tiêu thụ giảm nhiều. Trước đây, mỗi ngày chúng tôi bán được khoảng 6 - 7 tạ, thì giờ chỉ còn 4 tạ. Chưa bao giờ thấy lượng tiêu thụ giảm đột ngột như vậy".
Ông Công dẫn chúng tôi đi thăm toàn bộ xưởng sản xuất của gia đình và bảo, gia đình ông 6 đời làm nghề, mọi công đoạn ông đều làm rất cẩn thận. Tất cả nguồn nguyên liệu từ gạo đến nguồn nước làm bún đều được ông kiểm tra kỹ trước khi làm. Với ông, làm nghề lợi nhuận phải đi cùng chữ tâm. Ông Công cho hay, làm nghề bún cũng chẳng giàu có gì, nhưng vì là nghề gia truyền nên ông cố bám trụ.
|
Gia đình ông Công áp dụng máy móc vào sản xuất bún. |
Chúng tôi đã tới nhiều khu chợ trên địa bàn Hà Nội gặp những người bán bún ai nấy đều khóc than vì người tiêu dùng quay lưng lại với món hàng này. Chị Nguyễn Thị Đức, người dân làng Phú Đô bán bún lâu năm tại chợ Pháo Đài Láng than thở: "Ế, ế lắm em ạ. Chị đi bán hàng bao nhiêu năm, chưa thấy khi nào bún lại ế như bây giờ. Trước đây mỗi ngày chị bán vài chục cân bún là bình thường, nhưng giờ gần hết buổi sáng rồi mà bán chưa đầy cân bún.
Người dân họ hoang mang trước thông tin trong TPHCM bún bị tẩm hóa chất. Dù họ biết bún chúng tôi bán ra là bún của làng Phú Đô làm. Nhưng họ vẫn chọn thực phẩm khác để thay thế. Nhà nước phải làm thế nào cho dân nghèo chúng tôi làm ăn chứ làm ăn chân chính mà bị ảnh hưởng tiếng xấu từ nơi khác thì thiệt thòi quá".
|
Người dân Phú Đô buồn bã vì hàng bán chậm (chụp tại chợ Pháo Đài Láng). |
Làm bún phải có tâm
Gia đình ông Họa có nhiều đời làm nghề bún, tính đến đời các con ông cũng phải 4 đời làm nghề gia truyền. Gia đình ông vẫn giữ được những đồ nghề làm bún thủ công từ thời cha ông. Vì thế, ông chỉ mua một số máy móc hỗ trợ, đa số công việc làm bún ông đều làm thủ công. Ông Họa bảo, làm nghề bún vất vả lắm, để có một mẻ bún phải qua rất nhiều công đoạn. Từ công đoạn chọn gạo đến cách xay bột. "Để chuẩn bị làm một mẻ bún, từ sáng ngày hôm trước đã phải đi chọn gạo, xay xát thật cẩn thận. Nếu gạo không đủ tiêu chuẩn, bún sẽ bị nát và chua. Trước đây gia đình tôi từng đổ đi hàng tạ bún cũng vì chọn gạo không được kỹ", ông Họa cho biết.
Ông Họa cho hay, gia đình ông nức tiếng làm bún thủ công thơm ngon, nhờ những bí quyết gia truyền. Mỗi ngày ông cũng xuất ra thị trường khoảng 3 - 4 tạ bún. Nhiều nơi học mót Phú Đô làm bún, nhưng bún không thể thơm ngon như các hộ dân trong làng làm. Thế nhưng, nhiều khi họ tự nhận đó là bún Phú Đô, điều đó làm giảm đi uy tín và thương hiệu bún của làng.
|
Theo bà Hoa bún sạch sờ vào tay bị dính, ăn có vị thơm của gạo. |
Hơn hai tuần nay, ông Họa cùng chính quyền nơi đây tiếp đón nhiều đoàn đến làng kiểm tra quy trình sản xuất và chất lượng bún. Các cơ quan đó đều kết luận bún Phú Đô đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không có hóa chất độc hại. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn hoang mang, lo sợ trước thông tin bún tẩm hóa chất trong TPHCM.
Ông Họa cho biết: "Dân làng chúng tôi không chỉ bức xúc việc các cơ sở trong đó tẩm hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sản xuất của chúng tôi mà quan trọng hơn cả nó gây nguy hại đến sức khoẻ người dân. Các cơ sở đó quả là vô lương tâm. Để nhận biết bún đạt tiêu chuẩn, khi chúng ta cầm trên tay bún rất dính và khi dùng tay vò bún sẽ bị nát vụn".
- Ông Họa cho hay, làng bún Phú Đô đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2010. Nghề bún là nghề gia truyền của thôn nên các gia đình bám nghề mà làm, thực tế nghề này không làm giàu được. Làm lụng vất vả nhưng thu nhập không cao. Trong làng nhiều nhà cao tầng mọc lên là nhờ bán đất cho Nhà nước làm sân vận động Mỹ Đình.
- Chị Vũ Thị Hương (ngõ 157 phố chùa Láng) - một người dân đi chợ nơi đây cho biết, vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng nói về việc một số các cơ sở sản xuất bún trong TPHCM có tẩm hóa chất vào bún, người tiêu dùng ăn phải sẽ mắc bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp. Thế nên giờ ra chợ cũng khó biết được đâu là bún sạch, đâu là bún nhiễm khuẩn. Thay vì ăn bún, gia đình chị chuyển chọn sang các món ăn khác.
- Chính quyền địa phương thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn người dân trong làng thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập huấn, khám sức khoẻ định kỳ cho các hộ dân làm nghề. Sau khi có thông tin trong TPHCM một số cơ sở sản xuất bún tẩm hóa chất, chúng tôi đã cùng các cơ quan chức năng đến kiểm tra sản phẩm các gia đình sản xuất bún và đã có kết luận bún Phú Đô đều đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Vì thế, người dân trong vùng không nên quá hoang mang trước thông tin đó, thực tế người dân làng Phú Đô làm bún rất đảm bảo chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Hường (Phó Chủ tịch UBND xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội)
Đức Lợi