Đã lên bàn nhậu
Sau khi PV có bài phản ánh về mức độ lây lan chóng mặt của cá dọn bể ra ngoài tự nhiên, một loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều loài bản địa khác, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về việc ở một số địa phương, người dân đã sử dụng loài này như một món ăn dù chưa biết thành phần dinh dưỡng ra sao.
|
Ở một số nơi người dân đã chế biến cá dọn bể thành món ăn. Ảnh: I.T |
Một số “dân nhậu” ở miền Tây cho biết, quá trình sơ chế cá dọn bể hơi cực nhọc vì da của nó dày và sần sùi như da cóc nhưng nếu biết chế biến thì cũng có thể làm thành nhiều món ăn ngon như: nướng thui, luộc nước dừa, hấp sả, hấp bia..., thậm chí là làm… chả cá.
Một số dân nhậu còn hay đùa với nhau rằng cá lau kiếng sinh sản nhanh, mạnh nên thịt chúng có tác dụng bổ dương, trị nhức mỏi đau lưng. Chế biến loại cá này bằng cách mổ bỏ ruột cá, làm sạch, đem đi nướng, khi cá chín thì gỡ lớp da dày bỏ đi.
Thậm chí, tại TP Cần Thơ, món cá lau kiếng hầm sả được rất nhiều người ưa thích. Chế biến món này rất đơn giản. Do vảy cá lau kiếng như một bộ giáp sắt rất cứng và bén nên không thể dùng dao đánh được. Chỉ cần rửa cá với nước chanh cho sạch nhớt và bớt mùi tanh.
Kế đến, đập vài củ sả để dưới đáy nồi và cho cá vào với nước dừa tươi, cùng đậu phộng (đã ngâm nước rửa sạch, để ráo), củ cải trắng (gọt vỏ rửa sạch, cắt khúc) hầm với ngọn lửa liu riu cho tới khi cá và các phụ liệu chín. Dùng đũa gắp cá ra gỡ bỏ vảy. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, nhắc xuống và chuyển tất cả qua nồi lẩu để giữ nóng.
Cũng có nhiều người chia sẻ, làm món khô cá dọn bể cũng khá ngon. Tài khoản FB Lê Văn Cận cho biết, dù chế biến khó nhưng món khô cá dọn bể ăn cũng khá hấp dẫn. Anh Nguyễn Văn Hoàng (ngụ xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh, Tây Ninh) khẳng định: “Loại cá này bề ngoài trông xấu xí nhưng sau khi làm thịt, bỏ hết lớp da sần sùi thì ăn cũng được”.
Vừa ăn vừa… sợ
Nhưng không phải ai cũng dám sử dụng loài cá này như một loài thực phẩm. Chủ FB Nguyễn Thiên Kim chia sẻ, rất ghét con này vì nó phá hỏng bờ và làm rách lưới. FB Khanh Ly Le thì không quên cảm giác "ghê tay" khi chế biến loài cá này.
Bạn Khanh Ly Le mô tả: "Vì lần nào kéo lên cũng làm rách tan hoang lưới nên thù nó quá, thử trụng nước sôi để lột da. Lột ra thấy bể ruột, thịt dở sống dở chín thấy ghê ghê. Làm 3 lần như thế mà vẫn chưa dám ăn". Có người chia sẻ, bị vây của loài cá này đâm vào tay và bị đau buốt một thời gian.
|
Món khô cá dọn bể do tài khoản FB Lê Văn Cận chia sẻ. |
Những người am hiểu vể cá cảnh và các loài thủy sinh cho biết, cá dọn bể có thể hút hết nhớt của các loài thủy sản khác, cạnh tranh môi trường sống của các loài bản địa khác.
Tài khoản FB Lê Duy Thịnh khẳng định: "Cá dọn bể đã đe dọa xâm lấn từ ngay năm 2005 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và bị ảnh hưởng từ con này là cá hô và cá tra sông. Tuy chưa có nhiều kiểm chứng nhưng chỉ còn rất ít số lượng loài tự nhiên, còn đa số được nuôi trong điều kiện nuôi nhốt".
Dù đã nằm trong danh mục các loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhưng cho đến thời điểm này, ngành chức năng và các địa phương vẫn chưa có nhiều giải pháp để ngăn chặn sự phát triển của loài này. Chưa kể, sự vô tình, thiếu ý thức của người dân (vứt bỏ cá xuống môi trường tự nhiên) khiến loài sinh vật ngoại lai này ngày càng sinh sôi nảy nở.
Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, rất có thể sẽ có một hiểm họa ngoại lai mới trong tương lai.
Theo Anh Thơ/Dân Việt