Các CTCK bi quan và dự báo thị trường giảm sâu hơn sau phiên "thứ hai đen tối"

Google News

Thị trường mở cửa tuần giao dịch bằng phiên điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư lại tiếp tục trải qua một phiên "thứ hai đen tối" sau phiên "thứ hai đen tối" ngày 25/4.

Kết phiên 9/5, VN-Index giảm 59,64 điểm, tương được tỷ lệ giảm 4,49% xuống 1.269,62 điểm. Tiêu cực hơn, HNX-Index và UPCoM-Index giảm lần lượt 5,84% và 5,28%. Nhiều thời điểm trong phiên giao dịch, VN-Index giảm hơn 60 điểm.
Nhà đầu tư bán cổ phiếu bất chấp khiến gần 1.000 mã giảm điểm hôm nay. Theo quan sát, sàn HoSE có đến 445 mã giảm giá trong khi chỉ có 27 mã tăng giá, có đến 221 cổ phiếu giảm sàn. Toàn bộ cổ phiếu rổ VN30 đóng cửa trong sắc đỏ, với 13 mã chứng khoán "nằm sàn".
Trên sàn HNX, 222 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi gần nửa số đó giảm kịch biên độ. Không khả quan hơn, thị trường UPCoM có 32 cổ phiếu giảm sàn, và hàng trăm mã mất giá trên 10%.
Theo đó, phiên giao dịch hôm nay được xem là một trong những phiên kỷ lục về số cổ phiếu giảm sàn. Một tín hiệu tích cực phiên hôm nay là thanh khoản có phần cải thiện so với phiên trước đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE là gần 18.800 tỷ đồng, tăng 10% so với phiên giao dịch trước đó.
Các công ty chứng khoán (CTCK) tỏ ra bi quan và dự báo thị trường có thể điều chỉnh về vùng giá sâu hơn để tìm lực cầu bắt đáy.
Cac CTCK bi quan va du bao thi truong giam sau hon sau phien 'thu hai den toi'
 
Tạm dừng giải ngân
CTCK Tân Việt (TVSI): Thị trường mở cửa tuần giao dịch mới với một phiên giảm mạnh và số lượng các cổ phiếu giảm sàn ở mức kỷ lục. Điều này cho thấy tâm lý thị trường hiện đang hết sức bi quan với khi bên cầm cổ phiếu chấp nhận bán bằng mọi giá.
Lợi suất trái phiếu 10 năm chính phủ Mỹ và đồng USD tiếp tục tăng trong phiên giao dịch cuối tuần gây áp lực cho hầu hết các thị trường tài chính trong đó có Việt Nam.
Phiên giảm điểm 9/5 có mức tiêu cực gấp đôi với phiên giảm ngày cuối tuần trước ở cả điểm số lẫn số cổ phiếu giảm sàn. Xét ở góc nhìn phân tích kỹ thuật kỳ vọng đáy W của chỉ số VN-Index vẫn còn nguyên nhưng xác suất đang mỏng manh hơn khi trong nội tại thị trường áp lực bán là quá lớn.
Số lượng các cổ phiếu vốn hóa lớn có mức giảm dưới 2% phiên như VNM, VIC, VCB, MSN… tạo một chút hi vọng về các đợt hồi phục của chỉ số trong phiên tới. Tuy nhiên trong nội tại thị trường vẫn rất áp lực.
TVSI vẫn bảo lưu quan điểm về kỳ vọng hình thành đáy W các nhà đầu tư có mức cổ phiếu từ 50% tài sản trở lên nên tạm dừng giải ngân thêm để có hành động phù hợp sau phiên giao dịch quan trọng ngày mai.
VN-Index có thể giảm về mức 1.150 điểm
CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN): YSVN nhận định thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm vào đầu phiên và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng hỗ trợ kế tiếp 1.225–1.262 điểm.
Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng và nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.225 – 1.262 điểm thì đồ thị giá có thể mở rộng đà giảm ngắn hạn về mức 1.150 điểm.
Tuy nhiên, nếu chỉ số VN-Index xuất hiện nhịp hồi phục trong phiên kế tiếp thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ có chiều hướng giảm.
Nên hạn chế lướt sóng
CTCK MB (MBS): MBS cho rằng điều cần làm là nên hạn chế lướt sóng khi biến động của thị trường đang tăng lên, không bình quân giá xuống và hạ tỷ trọng margin về mức an toàn.
Điểm tích cực ở phiên 9/5 là thanh khoản tăng 20% so với bình quân tuần trước, cho thấy lượng cầu bắt đáy đã tham chiến, bên cạnh đó nhà đầu tư nước ngoài cũng tranh thủ giải ngân, khối ngoại đang tích cực mua ròng trong mấy tuần gần đây, từ mức bán ròng hơn 9.500 tỷ đồng trên toàn thị trường hồi giữa tháng 3 đến nay chỉ còn 1.880 tỷ đồng.
P/E về mức thấp
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Với phiên giảm mạnh 9/5 thì định giá P/E của VN-Index và VN30 tiếp tục được chiết khấu về 14 lần và 13,5 lần. Đây là mức định giá thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất, đặc biệt với nhóm cổ phiếu lớn thuộc VN30. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy được lực cầu từ các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị dài hạn.
Tuy nhiên, góc nhìn về mặt kỹ thuật lại có phần không ủng hộ cho khả năng hồi phục của VN-Index khi mà chỉ số này đã bước vào sóng điều chỉnh a với target theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5) và đà giảm có thể tiếp tục trong phiên10/5.
Trong phiên giao dịch tiếp theo 10/5, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu lực cầu bắt đáy trong vùng hỗ trợ 1.225-1.250 điểm (đáy tháng 7/2021) là đủ tốt.
Tìm kiếm lực cầu bắt đáy ở vùng thấp hơn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Trong kịch bản VN-Index không giữ được đáy ngắn hạn, chỉ số nhiều khả năng sẽ mở rộng nhịp điều chỉnh xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn quanh 1.220 – 1.240 nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy trước khi xuất hiện nhịp hồi phục trở lại.
Sau khi đã bán bớt một phần vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư có thể giải ngân trở lại khi chỉ số kiểm định hoặc chớm phá vùng đáy ngắn hạn nhưng cần khống chế tỷ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức chấp nhận rủi ro.
Anh Nhi