Mới đây chuỗi cửa hàng Thế giới Di động gửi văn bản thông báo lần thứ 4 yêu cầu chủ nhà thương lượng và giảm giá thuê mặt bằng và tuyên bố sẵn sàng cắt hợp đồng. Mặc dù đây là sự việc còn nhiều tranh cãi, song trên thực tế, chi phí thuê mặt bằng được đánh giá là một gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp trong thời gian qua.
Trong suốt thời gian giãn cách xã hội kéo dài, ngành bán lẻ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh ở nhiều địa phương.
Một số doanh nghiệp bán lẻ thiết bị điện tử khác cho biết đã đưa ra các phương án thích nghi với bối cảnh mới. Đó là đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến và cắt giảm chi phí cho các mặt bằng kém hiệu quả.
Sẵn sàng đóng cửa
Trao đổi với Zing, đại diện FPT Retail cho biết kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên, doanh nghiệp đã đàm phán với bên cho thuê để giảm giá thuê trong suốt thời gian giãn cách xã hội trên tinh thần cảm thông và hướng đến hợp tác lâu dài. Hầu hết chủ nhà đều đồng ý giảm giá thuê để hỗ trợ cho công ty.
"Với hệ thống bán lẻ sở hữu lượng cửa hàng lớn, các loại mặt bằng thuê của FPT rất đa dạng, khác nhau về chủ sở hữu, cách thức hợp tác… Thế nên, với mỗi loại hình, chúng tôi sẽ có những điều khoản hợp tác khác nhau theo nguyên tắc chung là luôn tôn trọng đối tác và cân bằng lợi ích giữa các bên", đại diện FPT Retail khẳng định.
|
Nhiều thương hiệu bán lẻ lớn với quy mô phủ khắp cả nước đang nhanh chóng sàng lọc và đánh giá lại hiệu quả kinh doanh của từng cửa hàng để từ đó cắt giảm những chi phí không cần thiết. Ảnh: FPT.
|
Theo đại diện FPT Retail, những chính sách về phong tỏa, hạn chế đi lại đều ảnh hưởng đến các bên trong quan hệ hợp đồng. Từ đó, công ty căn cứ thỏa thuận tại từng hợp đồng; tình hình thực tế từng khu vực, từng giai đoạn để tiến hành đàm phán, thương thuyết lại giá thuê với bên chủ cho thuê.
"Trường hợp không thể đàm phán, chúng tôi cũng sẵn sàng tính đến phương án đóng cửa hàng nếu không thể duy trì hiệu quả. Rất may, đến hiện tại chúng tôi chưa phải thực hiện biện pháp này", đại diện FPT Retail nói thêm.
Cùng với đó, chuỗi bán lẻ này cũng cho biết công ty đang cắt giảm, tối ưu hóa các khoản chi phí khác như chi phí cố định, chi phí nhân sự và chi phí phải nội Ngân sách Nhà nước theo chính sách hỗ trợ đã công bố.
Ban giám đốc trực tiếp thương lượng
Tương tự, đối với chuỗi cửa hàng điện thoại CellphoneS, biến chủng virus mới xuất hiện trong năm 2021 đã khiến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM bị ngưng trệ.
Doanh nghiệp này cho biết dù nhu cầu các thiết bị máy tính, điện thoại… cho việc học tập và làm việc tại nhà tăng cao, việc giao hàng rất khó khăn dẫn tới doanh số sụt giảm mạnh.
Các hệ thống phải cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu, lương của toàn bộ nhân viên bị cắt giảm. Các chủ mặt bằng cũng chung tay giảm hoặc miễn chi phí thuê mặt bằng trong các tháng giãn cách.
Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông CellphoneS, ngay khi các cửa hàng trong hệ thống CellphoneS bị đóng cửa, các thành viên ban giám đốc đã trực tiếp gọi điện chia sẻ khó khăn với các chủ mặt cho thuê để xin được hỗ trợ tiền thuê.
Hầu hết chủ mặt bằng cũng hiểu tình trạng của ngành bán lẻ khi bị đóng cửa và đã giảm giá thuê 50-70%. Đặc biệt, có một số mặt bằng được miễn phí tiền thuê trong suốt thời gian đóng cửa.
"Việc hỗ trợ này vẫn còn được tiếp tục đến hết năm nay do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khi chi phí liên quan tới công tác phòng chống bệnh tăng cao, thiếu hụt người lao động, sức mua giảm sút...", đại diện CellphoneS nói thêm.
Bên cạnh đó, dịch vụ giao hàng nhanh của chuỗi bán lẻ điện thoại, thiết bị điện tử cũng được đẩy mạnh đáp ứng nhu cầu của khách hàng chưa muốn tiếp xúc đông người .
Sàng lọc mặt bằng
Phân tích về xu hướng này, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills TP.HCM, cho biết hiện nay, doanh nghiệp đã bắt đầu có sự sàng lọc, nhất là đối với những doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi có hệ thống mặt bằng lớn.
"Họ đã cắt giảm những mặt bằng hoạt động không hiệu quả và chỉ giữ lại những điểm bán đảm bảo nguồn doanh thu tốt. Tất nhiên trong thời gian này, doanh thu của họ không được như giai đoạn từ tháng 4 trở về trước", bà Võ Thị Khánh Trang nói.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, doanh thu của họ hiện nay chỉ đạt khoảng 30-50% so với thời điểm tháng 4, tháng 5 năm nay. Do vậy, các doanh nghiệp đã làm việc với chủ nhà để giảm chi phí đầu tư vào mặt bằng.
Các doanh nghiệp lớn đang có xu hướng đánh giá lại, từ đó giảm lượng cửa hàng trong hết năm 2021 và đưa ra chiến lược cho các năm sau.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills TP.HCM
Theo đại diện của Savills, các doanh nghiệp lớn đang có xu hướng đánh giá lại, từ đó giảm lượng cửa hàng trong hết năm 2021 và đưa ra chiến lược cho các năm sau bởi diễn biến của dịch Covid-19 rất phức tạp và khó đoán.
"Đây là trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp phải lên các kịch bản để ứng phó. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh chuyển đổi từ bán hàng trực tiếp sang trực tuyến để vẫn giữ được lượng người tiêu dùng trung thành", bà Trang nói thêm
Đầu năm nay, khi dịch mới bùng, chuyển đổi số là một xu hướng nhưng đã bùng phát nhanh trong 3 tháng vừa qua, người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi đều quen với mua sắm trực tuyến, đặt hàng về nhà chứ không chỉ là giới trẻ.
Bà Trang dự báo trong năm sau, có thể các cửa hàng vật lý có thể hưởng lợi từ nguồn khách hàng này.
Theo Hà Bùi/Zing