Cách ly xã hội giai đoạn mới: Quán hàng có được kinh doanh?

Google News

(Kiến Thức) - Thực hiện cách ly xã hội giai đoạn 2, một số tỉnh như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa cho phép các cửa hàng ăn uống bán mang về thay vì ngừng hoạt động hẳn như chỉ đạo trước đó.

Ngày 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với việc phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng.
Sau chỉ đạo này của Chính phủ, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã ra thông báo về biện pháp cách ly xã hội cụ thể áp dụng tại địa phương mình.
Hà Nội, TP HCM thuộc nhóm nguy cơ cao về dịch Covid-19 nên tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội đến hết ngày 22/4 theo các chỉ thị của Thủ tướng. Do đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh trừ các trường hợp sau:
Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; Cơ sở lưu trú du lịch; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh;Dịch vụ bưu điện; dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử; dịch vụ viễn thông truyền hình; dịch vụ bảo vệ; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt; dịch vụ tang lễ, nghĩa trang, hỏa táng; cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
Cach ly xa hoi giai doan moi: Quan hang co duoc kinh doanh?
Hàng quán tại Hà Nội vẫn tiếp tục đóng cửa đến 22/4. Ảnh: Hanoimoi.  
Tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng đã có công văn cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động trở lại từ 0h ngày 16/4 theo hình thức bán trực tuyến (bán online) và bán mang về thay vì ngừng hoạt động hẳn như chỉ đạo trước đó. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được yêu cầu tuyệt đối không phục vụ tại chỗ.
Cach ly xa hoi giai doan moi: Quan hang co duoc kinh doanh?-Hinh-2
Sau thời gian tạm dừng, Đà Nẵng cho cửa hàng ăn uống bán mang về. Ảnh: Vietnamnet
Tại Thừa Thiên Huế, các lĩnh vực tiếp tục tạm dừng hoạt động đến hết ngày 22/4 là các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lĩnh vực vui chơi giải trí tập trung đông người; các lễ hội, phố đi bộ; các cơ sở lưu trú; di tích, bảo tàng, công viên, thắng cảnh, địa điểm tham quan; taxi và giao thông công cộng nội tỉnh; tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, cắm trại, tắm biển tại các địa điểm công cộng.
Riêng các nhà hàng ăn uống không được phục vụ tại chỗ nhưng được phép hoạt động bán hàng online, đặt hàng qua mạng, điện thoại và giao hàng tận nhà. Các chủ cơ sở chịu trách nhiệm quản lý các người giao hàng tận nhà (shipper) về tình trạng dịch tễ và vệ sinh y tế.

Mời độc giả xem video: Hàng quán ở Hà Nội vắng khách vì COVID-19. Nguồn: Người đưa tin 24h.

Thanh Hóa nằm trong nhóm 36 địa phương nguy cơ thấp nhưng vẫn tiếp tục dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, vũ trường, karaoke, massage...Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, không tổ chức phục vụ khách hàng ăn, uống tại cơ sở, khuyến khích cung cấp các suất ăn, uống theo địa chỉ của khách hàng.
Tại tỉnh Cà Mau, thực hiện cách ly xã hội giai đoạn 2, những hoạt động được phép mở cửa là các cơ sở kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ trực tiếp nhu cầu thiết yếu của người dân; Cơ sở dịch vụ ăn uống, nước giải khát, hàng quán, địa điểm tham quan, du lịch (phục vụ khách nội tỉnh); Các hàng quán vỉa hè, hàng rong (bán mang về); các hoạt động thể dục, thể thao.
Đồng Tháp tạm dừng đón khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử, văn hoá; đồng thời tiếp tục tạm dừng hoạt động vui chơi giải trí, kinh doanh dịch vụ. Các cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, khám, chữa bệnh vẫn được hoạt động bình thường, nhưng phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Bình Dương tiếp tục đóng cửa các dịch vụ không cần thiết; khuyến cáo người dân không ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Hoàng Minh (tổng hợp)