Mỗi sáng, anh Vũ Huy đều dành thời gian chăm sóc hồ cá, vườn cây, ngồi thiền trong căn nhà gỗ 3 gian rồi nhâm nhi tách trà, trước khi hòa vào dòng người hối hả, bắt đầu ngày làm việc bận rộn.
Nhiều người không thể ngờ rằng, không gian nhà gỗ 3 gian mộc mạc, nhuốm màu thời gian cùng góc vườn sum sê này lại tọa lạc ngay tầng 5 của một căn nhà phố ở Hà Nội. Anh Huy gọi không gian này là "Nhà quê trong phố".
Ngôi nhà của gia đình anh Huy ở An Trạch, Đống Đa, Hà Nội - một khu vực đông dân cư.
Hơn 10 năm trước, trên mảnh đất rộng 55m2, gia đình anh xây ngôi nhà 5 tầng. Tầng 1 là phòng khách, bếp. Tầng 2, 3, 4 là không gian sống của bố mẹ, gia đình chị gái và anh Huy. Tầng 5 là nơi giặt phơi, kho chứa đồ cùng một vườn cây nhỏ.
|
Ngôi nhà gỗ được dựng trên tầng 5. |
"Trước đây, hiếm lắm tôi mới lên tới tầng 5”, anh Huy chia sẻ.
Vốn là kiến trúc sư nên căn nhà đã được anh Huy thiết kế sao cho tối ưu ánh sáng, công năng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, ngôi nhà cũng phải "vật lộn" chống chọi với thời gian, dần cũ kĩ, bên trong chứa nhiều đồ đạc, cảm giác chật chội, bí bách.
Năm 2023, anh Huy bắt đầu suy nghĩ về phương án cải tạo nhà theo phong cách hòa hợp với thiên nhiên, sử dụng vật liệu truyền thống mộc mạc. Anh mong muốn có không gian sống thảnh thơi, thong dong tự tại ngay giữa thành phố xô bồ.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố nhưng anh Huy rất yêu thích những ngôi nhà làng quê Bắc Bộ với mái ngói, vách gỗ, bậc thềm… Bên cạnh đó, anh có sở thích sưu tầm những nông cụ, đồ dùng đặc trưng của bà con địa phương trên khắp đất nước.
|
Sau khi cải tạo, tầng 5 trở thành địa điểm lý tưởng đón bạn bè của gia đình. |
Gia chủ quyết định cải tạo tầng 5, xây dựng một căn nhà gỗ 3 gian, mái ngói và tạo vườn cây kiểu Bắc Bộ, vừa làm nơi chữa lành, vừa trưng bày bộ sưu tập cá nhân.
Tại không gian gần 60m2, anh Huy cải tạo, tháo khung sắt lâu năm, gia cố nền rồi xây dựng một nhà gỗ khoảng 20m2. Cột kèo nhà được kéo ròng rọc lên tầng 5. Anh Huy thuê một thợ dày dặn kinh nghiệm làm nhà gỗ, đình chùa Bắc Bộ về hỗ trợ.
Phần sàn nhà được nâng cao để tạo bậc thềm, lát bằng lô gạch gốm màu da lươn phong cách xưa. Các vật dụng trong nhà hầu hết là đồ anh Huy sưu tầm nhiều năm.
Để đảm bảo an toàn, anh Huy lắp một hệ thống khung sắt bao quanh tầng 5, nhưng nhìn nhẹ nhàng hơn và dùng các tán cây to che bớt.
Ở sân vườn, anh xây một bể cá, thiết kế bàn trà dành cho 3-4 người sử dụng. Khu vực này có thêm mái kính trong để vừa lấy sáng tự nhiên vừa che mưa.
|
Không gian bình yên vào buổi tối. |
"Tôi mất hơn 1 tháng để mang được ngôi nhà 3 gian và vườn cây lên tầng 5, cũng như cải tạo thêm không gian nghỉ ngơi ở tầng 3 và 4. Có nhiều vật liệu phải bê vác đường bộ, khá vất vả. Quá trình cải tạo không lâu nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công, tập trung cao độ”, anh Huy cho biết.
Ở tầng 3, cấu trúc gần như giữ nguyên, nhưng cửa sổ được mở rộng sang hai bên và xuống sát sàn để lấy thêm ánh sáng tự nhiên.
ầng 4 vốn có 2 phòng riêng và nhà vệ sinh. Hiện do không cần sử dụng 2 phòng ngủ nên anh Huy phá dỡ vách ngăn, tạo thành một phòng rộng lớn, có khu ngủ và khu uống trà.
Ở cả hai tầng nhà, phần trần thạch cao cũ được tháo dỡ, thay thế bằng vật liệu truyền thống là thanh trúc. Anh Huy mua cột, kèo gỗ của nhà truyền thống xưa để lắp đặt, tạo thành tấm vách chia không gian ngủ và tiếp khách.
"Phòng dùng gỗ và trúc nên tôi cũng phải tìm hiểu, tính toán chống mối mọt. Ngày nay công nghệ hiện đại, nên đây không phải vấn đề quá lớn”, anh Huy cho hay.
|
Bể cá được anh Huy tự tay chăm chút mỗi ngày. |
Gia chủ lựa chọn sơn tường hiệu ứng để tạo nên nét xưa cũ như những ngôi nhà tường đất.
Anh Huy tận dụng không gian làm thêm góc vườn ban công, hướng tầm nhìn ra khu tập thể 40 năm tuổi.
Gần một năm sau khi cải tạo không gian sống, các thành viên trong gia đình anh Huy đều cảm thấy hài lòng. Sau ngày dài làm việc, họ trở về nhà, cảm nhận được rõ sự bình yên, ấm áp.
"Thay vì tìm kiếm quán xá để gặp gỡ bạn bè, giờ đây, tôi thường mời mọi người tới nhà, trải nghiệm khu vườn quê giữa lòng thành phố. Đây thực sự trở thành nơi chữa lành với chính tôi.
Tôi nghĩ, ai cũng có thể cải tạo một không gian sống để vỗ về, an ủi tâm hồn mình, giúp bản thân thêm năng lượng, qua đó làm việc tốt hơn. Tùy điều kiện tài chính, thời gian, không gian đó có thể nhỏ thôi nhưng mình yêu thích, thấy hạnh phúc".
Theo Vietnamnet