Hai bên đường Mai Chí Thọ (Q.2), đại lộ Võ Văn Kiệt gần đây xuất hiện nhiều bảng hiệu quảng cáo đặc sản đuông dừa “ngon - bổ - rẻ”. Người bán thường để bảng hiệu cách xa thùng đựng đuông dừa, khi có khách hỏi họ mới chạy đi lấy, mở ra cho khách xem và mua.
|
Đuông dừa dù bị cấm vẫn bày bán công khai ở nhiều tuyến đường Sài Gòn. |
Thấy khách có nhu cầu mua đuông dừa, người phụ nữ đậm người, khá lớn tuổi từ xa nhanh nhẹn chạy đi lấy thùng đuông dừa cất sau hốc cây, chào mời: “Mở hàng đuông dừa về ăn thử đi cô, ngon và bổ lắm. Nếu mua từ 50 con trở lên, tui tính cô giá sỉ là 4.000 đồng/con thôi. Loại này mà vô nhà hàng ít nhất phải 20.000 đồng/con chứ không rẻ đâu”.
Theo người phụ nữ này, mỗi ngày bà bán từ 200-300 con. Đuông dừa có thể làm nhiều món như ngâm đuông dừa vào nước mắm chanh tỏi ớt và ăn tươi (ăn sống), hoặc chế biến các món hấp dẫn như ram mặn, tẩm bột chiên, chiên mở hành, cuốn bánh tráng rau sống, nấu cháo, làm gỏi…
Khu vực Kênh 19/5 (Q.Tân Phú), người mua không chỉ bán đuông dừa cho khách ăn mà còn cung cấp cả con giống. Giá bán là 7.500 đồng/con giống nếu mua trên 200 con, hoặc 12.000 đồng/con nếu mua số lượng ít hơn.
Ông Hinh (người bán đuông dừa) bảo đuông dừa mang từ Bến Tre lên, một tuần chỉ bán từ 2-3 ngày. “Đuông dừa của tôi là loại bắt tự nhiên, không phải nuôi nên có giá cao hơn những nơi khác từ 8.000 - 10.000 đồng/con (tùy loại lớn nhỏ). Loại này ăn những gì ngon nhất của cây dừa nên không chỉ beo béo mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng. Phụ nữ ăn thường xuyên giúp đẹp da, đàn ông dùng sẽ có thể tăng cường sinh lực” - người này quảng bá.
|
Đuông dừa bị cấm bán từ lâu nhưng nhiều người vẫn buôn bán công khai. |
Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TPHCM, đuông dừa phân bố rất rộng trên thế giới, là loài côn trùng gây hại nguy hiểm nhất cho dừa và khó phòng trừ. Chúng thường đẻ trứng vào lỗ kiến vương đã đục, trứng nở ra sâu non phá hại tàu hủ, xâm nhập ở đọt và ăn dần xuống thân dừa. Tàu hủ dừa bị tấn công nặng sẽ làm cây dừa chết. Vì là côn trùng gây hại cho cây dừa nên đuông dừa từ lâu đã bị cấm nhân giống, cũng như buôn bán. Từ năm 2013, Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn về việc nghiêm cấm việc nhân nuôi đuông dừa dưới mọi hình thức.
Được biết, năm 2016, một nhà hàng tại Bến Tre đã bị phạt 6 triệu đồng vì bán đuông dừa.
Theo Uyên Phương /Tiền Phong