Tuy là cuối tuần nhưng Trung tâm thương mại Cái Khế (gồm 3 nhà lồng thuộc quận Ninh Kiều) - nơi được xem là khu chợ truyền thống sầm uất, nhộn nhịp nhất tại TP. Cần Thơ - chỉ lác đác khách. Những gian hàng vắng vẻ, chủ ki ốt người lướt điện thoại, người may vá, nhóm thì ngồi tám chuyện giết thời gian.
Hơn 10 năm buôn bán tại đây, ông Lê Dũng (62 tuổi), chủ một ki ốt kinh doanh giày dép tại nhà lồng 2, cho biết, tiền mặt bằng mỗi tháng hơn 4 triệu đồng, tính cả tiền thuế, điện nước. Mỗi tháng, ông đóng gần 6 triệu đồng.
“Từ sau dịch Covid-19 tới nay ế lắm, ít có người qua lại, mua hàng. Có hôm tôi chỉ bán được duy nhất đôi dép, đủ đóng tiền mặt bằng, mất cả vốn chứ đừng nói tới lời”, ông Dũng cho hay.
|
Phần lớn ki ốt khu vực mặt tiền nhà lồng 2 đều đóng cửa. Ảnh: Trần Tuyên |
|
Tuổi đã cao, nếu bỏ chợ, tiểu thương Lê Dũng (bìa phải) không biết làm gì để mưu sinh qua ngày. Ảnh: Trần Tuyên |
Bà Nguyễn Thị Thu (59 tuổi), chủ ki ốt bán vải, chia sẻ, có thời điểm 2-3 ngày không có khách mở hàng. Bà đang nợ gần 100 triệu đồng tiền mặt bằng, hàng tồn kho đã lên đến 1 tỷ đồng.
“Khách vắng hẳn, dù vậy tôi vẫn phải nhập hàng, cập nhật xu hướng thời trang, đa dạng mẫu mã để phục vụ khách. Tôi cũng chấp nhận bán giảm giá, có những mặt hàng chỉ bán hoà vốn”, bà Thu kể.
Ông Mai Văn Bé, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Me Kong (đơn vị quản lý nhà lồng 2), cho hay, nhà lồng nằm ngay vị trí trung tâm thương mại với 84 ki ốt. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, việc buôn bán rất ể ẩm. Tình trạng tiểu thương đóng cửa, sang nhượng ki ốt chiếm khoảng 60%.
Theo ông Bé, tiểu thương thiếu nợ tiền mặt bằng đã lên tới 4 tỷ đồng. Đơn vị quản lý hiện tiếp tục vận động bà con cố gắng bám trụ, linh động buôn bán, đóng tiền mặt bằng. Đồng thời, kiến nghị quận, thành phố xem xét có biện pháp giảm thuế cho tiểu thương.
|
Nhiều ki ốt bỏ trống, chờ cho thuê. Ảnh: Trần Tuyên |
|
Khách hàng vắng bóng, chủ ki ốt người lướt điện thoại, người may vá. Ảnh: Trần Tuyên |
Bà Dương Thị Trang Nhung, Trưởng ban quản lý chợ quận Ninh Kiều, thông tin, nhà lồng 1 và 3 có gần 700 ki ốt, diện tích dao động từ 4-9 m2/ki ốt. Hai khu nhà chủ yếu kinh doanh quần áo, bách hoá, rau củ và đồ tươi sống.
“Hai nhà lồng này do nhà nước quản lý nên giá thuê mặt bằng rẻ hơn, tiểu thương bỏ ki ốt cũng ít. Vậy nhưng lượng khách hàng đến mua bán, giao thương ngày càng giảm. Việc lưu thông hàng hóa chậm hơn so với giai đoạn trước rất nhiều”, bà Nhung cho hay.
Trưởng ban quản lý chợ quận Ninh Kiều nói thêm, cùng với kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu thì việc các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi khiến chợ truyền thống “mất đất sống”.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là xu hướng tiêu dùng thay đổi, người dân chuyển từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến. Thay vì đến chợ, họ lên các trang thương mại điện tử, chợ online để mua hàng.
“Đa phần tiểu thương tại đây là người lớn tuổi, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ. Ban quản lý đã kiến nghị cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn bán hàng online để bà con theo kịp xu thế mua sắm trực tuyến”, bà Nhung chia sẻ.
Theo Trần Tuyên/Vietnamnet