“Cắt” 31.000 tỷ vốn đầu tư công Bộ Giao thông cho 7 địa phương

Google News

Các địa phương được điều chuyển vốn đầu tư công từ Bộ Giao thông vận tải gồm Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định của Thủ tướng về bổ sung, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương 2022-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Trong đó, đáng chú ý Bộ Giao thông Vận tải bị giảm 31.396 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách trung ương 2021-2025. Thay vào đó, số vốn này được điều chuyển cho 7 địa phương.
Cụ thể các địa phương được điều chuyển vốn từ Bộ Giao thông vận tải gồm: Hà Nội 8.400 tỷ đồng, TP HCM 10.627 tỷ đồng, Bắc Ninh là 2.120 tỷ, Hưng Yên 3.740 tỷ đồng. Đồng Nai, Bình Dương và Long An mỗi địa phương được tăng vốn công lần lượt 856 tỷ đồng, 4.266 tỷ và 1.397 tỷ đồng.
Việc điều chuyển vốn đầu tư công cho các dự án có khả năng hoàn thành tốt để thúc đẩy phục hồi kinh tế, từng được lãnh đạo Chính phủ nhắc nhiều lần tại các cuộc họp đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công.
Đây là đợt thứ ba Chính phủ bổ sung, điều chỉnh vốn đầu tư công cho các đơn vị.
“Cat” 31.000 ty von dau tu cong Bo Giao thong cho 7 dia phuong
Cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn  Châu - Bãi  Vọt thuộc trường hợp chậm giải ngân - Ảnh: baonghean.vn 
Trước đó, sáng 25/5, Bộ Giao thông vận tải đã họp kiểm điểm tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công.
Theo Vụ kế hoạch và đầu tư, việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án qua bốn đợt với tổng số 45.343/50.328 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng giao. Số vốn còn lại sẽ được giao khi các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai (2021 – 2025) được phê duyệt đầu tư (dự kiến 30-6)
Theo số liệu báo cáo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, chỉ tính riêng tháng 5, Bộ GTVT dự kiến giải ngân 3.880 tỷ đồng; lũy kế hết tháng 5/2022 giải ngân 15.080 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch đã giao trong năm.
Tính đến ngày 25/5, vẫn còn 9 dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư hoặc làm chủ đầu tư có kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu.
Các dự án này chia làm 3 nhóm: Chậm giải ngân do lựa chọn nhà thầu chậm (2 dự án) gồm: Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (Ban quản lý dự án 2), Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận); chậm giải ngân do tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu (6 dự án) gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt do Ban quản lý dự án 6 quản lý; (2 dự án thuộc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên), Quốc lộ 279B - Sở GTVT Điện Biên quản lý, Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở GTVT Hà Nam quản lý, Dự án Quốc lộ 15 - Tiểu dự án 3 do Sở GTVT Thanh Hóa quản lý; giải ngân chậm do hoàn thiện hồ sơ nội nghiệp (1 dự án) là Dự án đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận quản lý.
Minh Quang