Theo đánh giá của ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM, sau gần 1 năm thực hiện, các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) thực sự được bãi bỏ chỉ được 771, nhưng lại có 29 ĐKKD phát sinh. Nếu tính tổng số các ĐKKD hiện hành thì việc cắt giảm không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
Có những ĐKKD được cắt bỏ “chẳng mang lại tác động gì”, thậm chí, một số ĐKKD cắt bỏ được thay bằng một số quy định còn gây khó khăn nhiều hơn cho DN.
|
Cắt giảm ĐKKD chưa đạt yêu cầu 50%. Ảnh: PV
|
Ông Phan Đức Hiếu còn đánh giá về chất lượng thấp của các quy định về ĐKKD; còn yếu về tư duy quản lý và hệ thống quản lý theo phương pháp rủi ro. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát chất lượng quy định về ĐKKD không hiệu quả; thiếu cơ chế đảm bảo thực thi đầy đủ…
Một số đánh giá tại hội nghị cũng cho rằng, thực hiện thí điểm tại 4 bộ là: NNPTNT, Xây dựng, TTTT, VHTTDL, thì Bộ NNPTNT đạt thấp nhất, chỉ cắt giảm được 80 ĐKKD, đạt tỉ lệ 23,2%; Bộ Xây dựng cắt giảm được 158 ĐKKD, đạt tỉ lệ 73,5%, Bộ TTTT cắt giảm 116 ĐKKD, đạt 46,4%, Bộ VHTTDL 61 ĐKKD, đạt 51,7%.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh đánh giá, môi trường kinh doanh đang “có vấn đề” khi nhìn vào số DN đăng ký tăng 27,8%, số DN đóng cửa tăng 47%. “Chúng ta hội nhập sâu, thị trường trong nước là thị trường của cộng đồng ASEAN, sắp tới là CPTPP, nhiều ĐKKD quy định đang hoàn toàn lạc hậu so với cách mạng công nghiệp 4.0” - ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cũng cho rằng, ĐKKD sửa đổi gây khó khăn hơn cho DN; nhiều ĐKKD quy định chung chung, khó tiên liệu, tạo rủi ro cho DN…
Theo Anh Nhi/Laodong