Ngày 22/2, lãnh đạo UBND TP HCM cùng các sở, ngành có buổi gặp gỡ và trao đổi với doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn. Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nêu ra các vướng mắc, kiến nghị để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và đại diện hơn 30 doanh nghiệp bất động sản.
Nỗi khổ "quả trứng gà"
Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh 2 lần giơ tay mới đến lượt phát biểu. Sau lời cảm ơn, ông Đực thẳng thắn phản ánh công tác giải quyết công việc của các cơ quan ban ngành ở TP HCM còn nhiều bất cập khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Ông Đực lấy ví dụ: Công ty Địa ốc Xanh có một dự án nhỏ chỉ khoảng 3.700m2. Ông đóng tiền sử dụng đất là 2.050m2 nhưng phần đã đóng chỉ là phần “lòng đỏ” chứ chưa được đóng hết cho cả dự án. Sau này Sở Tài Nguyên Môi trường đề nghị công ty ông phải đóng luôn phần “lòng trắng”. Nhưng thực tế là việc đóng luôn "lòng trắng" này không hề dễ dàng.
Từ ngày có hồ sơ thụ lý tại chi cục thuế quận 8, sau đó chuyển đến Cục thuế TP HCM rồi gửi lên Sở Tài nguyên Môi trường cho đến nay đã 24 tháng trôi qua nhưng công ty của ông Đực vẫn chỉ được đóng phần “lòng đỏ”.
Còn phần lộ giới trước đây từ 40m2 nay giảm còn 30m2, nghĩa là phần diện tích sử dụng của doanh nghiệp được tăng lên 125m2 nhưng hồ sơ xin nộp tiền của công ty bị chuyển đi lòng vòng khiến mọi hoạt động của dự án không thể triển khai.
“Đáng lý ra nên gom lại phần lòng trắng và phần vỏ (phần diện tích chưa đóng và phần lộ giới giảm) để doanh nghiệp đóng tiền một lần nhưng Sở Tài Nguyên Môi trường nhất quyết không gom mà bắt chia làm 2 lần đóng. Bây giờ "lòng trắng" đã đóng xong rồi, còn vỏ lại phải xách hồ sơ đi.
Tôi đã gặp anh Lê Hòa Bình (Giám đốc Sở Xây dựng-PV), anh tuy rất hăng hái nhưng cũng nói không đóng được vì đây chưa phải là đất sạch. Hồ sơ chuyển tiếp qua Sở Kế hoạch Đầu tư và giờ nằm đó để chờ được chấp nhận chủ trương đầu tư.
Sau khi được chấp nhận chủ trương đầu tư rồi lại phải chờ chuyển lại Sở Tài nguyên Môi trường, rồi sở này mới trình cho qua UBND TP. Khi đó, tôi mới được sử dụng phần diện tích 125m2 đã đóng”, ông Đực trình bày.
|
Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh. |
Theo ông Đực, đây không phải là vấn đề quá khó để hồ sơ bị “ngâm” lâu như vậy. Thực tế có hàng trăm dự án giảm lộ giới đều đã gặp phải hoàng cảnh tương tự.
Riêng công ty của ông có dự án mà "chuyền đi chuyền lại" 2 năm, gửi đơn kêu cứu 4 lần nhưng đến nay vẫn đâu vào đấy, không tiến triển.
Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh thẳng thắn: "Tôi nghĩ có thể giúp doanh nghiệp bằng cách làm gấp. Còn tôi xin lỗi khi nói thẳng thế này hiện nay, làm chậm nhất là Văn phòng UBND TP và Sở Tài nguyên & Môi trường, còn các sở khác tương đối tốt”.
Từ đó, ông Đực cho rằng, TP HCM nên phát triển phong trào "3G" gồm giảm luật lệ, gom thủ tục và gấp. Trong đó, thành phố và ban, ngành có thể gom các thủ tục làm một để rút ngắn quy trình; thủ tục, hồ sơ phê duyệt dự án cần đẩy nhanh tiến độ hơn.
Không chỉ riêng ông Đực, 19 doanh nghiệp lớn trên thị trường cũng đã trình bày những khó khăn riêng, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Novaland, Nam Long, Lê Thành, Quốc Cường Gia Lai...
Nỗ lực giải quyết vướng mắc
Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan nói rằng, TP thấy khó khăn của các doanh nghiệp nên đã bàn họp với các sở ngành và nhận thấy 3 vướng mắc chính. Một là vướng về luật pháp, hai là vướng về nhận thức và ba là vướng về vận hành.
“Khi bị thanh tra, kiểm tra là mình co cụm lại, không dám làm, nhưng nhiều khi mình không làm cũng là đã làm sai vì luật đã cho phép mà mình không làm”, ông Hoan nêu khó khăn.
Theo ông Hoan, TP có 2 việc cần làm ngay. Một là những việc của TP thì sẽ triển khai làm ngay. Hai là những loại việc không thuộc thẩm quyền thì sẽ báo cáo Trung ương, xin ý kiến chỉ đạo để làm.
Theo ông, riêng 19 doanh nghiệp cùng những dự án đang bị đình trệ thì thành phố sẽ giải quyết cụ thể. Những dự án nào không vướng vào việc thanh tra, kiểm tra, điều tra mà vướng về công tác phối hợp, cách hiểu chưa đúng, hoặc trình tự thủ tục chưa xong thì sẽ sắp xếp giải quyết từng trường hợp cụ thể.
|
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan. |
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, các sở ngành phải thấy được rằng sự vất vả, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là sự vất vả của TP. Doanh nghiệp phát triển được thì đó là sự thành công của TP. Doanh nghiệp gặp khó khăn sở ban ngành phải chia sẻ, không nên tạo khó khăn hơn.
“Doanh nghiệp gặp khó khăn sở ban ngành phải chia sẻ, gặp khó khăn không nên càng tạo khó khăn tiếp. Với tư cách là phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, tôi đề nghị các sở ban ngành phải có giải pháp quyết liệt hơn trên cơ sở làm đúng quy định của pháp luật”, ông Phong nói.
Nói về trách nhiệm của lãnh đạo UBND, ông Phong thẳng thắn: “Phối hợp giữa các sở ngành trong công việc giải quyết vấn đề của doanh nghiệp đôi lúc rất lỏng lẽo thì tôi là người đứng đầu, anh Đực phê bình thì tôi xin nhận. Việc này (phối hợp lỏng lẽo – PV) rất ảnh hưởng, mỗi bên cứ nhìn về một hướng như vậy là… chết luôn”.
Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các sở, ngành phải tập trung trả lời cụ thể những vướng mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn tháo gỡ để triển khai dự án. Những vấn đề nào chưa trả lời được ngay, ông Phong đề nghị trong 10 ngày làm việc phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc cần giải pháp tổng thể của UBND TP, ông Phong đề nghị Sở Xây dựng tổng hợp đầy đủ ý kiến; tham mưu cho TP có phương hướng tháo gỡ các điểm nghẽn.
Nếu thời gian trong tuần không có thời gian thì tổ công tác phải họp cả thứ 7, chủ nhật. Đồng thời, ông Phong nói cứ 3 tháng một lần, lãnh đạo UBND TP và các doanh nghiệp bất động sản sẽ làm việc cùng nhau để tháo gỡ các vướng mắc.
Ngoài ra, ông Phong nêu trong quý I, TP dự kiến sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có số vốn ký trên 100 tỷ đồng để góp phần tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Đây được coi là giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản kết hợp phát triển với các chương trình đột phá, Đề án đô thị thông minh, Phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Gia Lai