Qua mấy mươi năm, nghề câu kiều vẫn còn tồn tại ở Cà Mau – đây là một phương thức đánh bắt thủy hải sản được xem là độc nhất vô nhị còn được người dân Cà Mau lưu giữ cho đến bây giờ.
Lão nông Nguyễn Văn Ánh nói rằng, ông sinh ra và lớn lên ở ven biển huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, từ nhỏ ông đã theo cha chú học cách săn bắt cá bằng nghề thả câu kiều.
Trước khi dong máy ra biển thả hàng triệu lưỡi câu xuống biển, người đánh bắt sắp xếp chúng vào các khuông được làm bằng thanh tre để khi thả lưỡi chúng không bị rối và dính vào nhau. Ảnh: An An
"Người thả câu không cần mồi dẫn dụ, lưỡi câu không có ngạnh nhưng rất sắc bén. Hàng triệu lưỡi câu được nối với nhau bằng sợi dây câu chắc chắn, có gắn phao", ông Ánh nói và cho biết, các loại thủy sản như cá ngát, ghẹ, cua biển.. là những loài mà người thả câu hướng đến.
Xã Tân Hải, huyện Phú Tân được xem như là "cái nôi" của nghề thả câu kiều. Hiện tại địa phương này có hơn 100 hộ dân sinh sống bằng nghề này. Phương tiện hành nghề của họ đơn giản chỉ là chiếc vỏ máy và hành nghề trên vùng biển cách đất liền khoảng vài hải lý.
Sau khi chuẩn bị xong đồ nghề, các câu thủ cho chúng xuống vỏ máy rồi chạy dọc theo các tuyến ven biển, cách bờ tầm 1 đến 2 hải lý để thả lưỡi. Người đi phải có kinh nghiệm để nhìn vào vùng biển mình thả câu mà biết ở đó có nhiều cá, tôm hay không..., và cũng phải dựa vào kinh nghiệm để biết vùng biển đó không có san hô phía dưới. Ảnh: An An
Ông Nguyễn Việt Lào – một tay câu có hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết, mỗi phương tiện chỉ cần một người, nghề này ít tốn kém chi phí đầu tư nhưng thu về từ 500 đến một triệu đồng mỗi ngày.
Lưỡi câu kiều có hình chữ U, các lưỡi được kết nối với nhau thành dây câu, mỗi lưỡi cách nhau 14cm, câu được gắn với các phao nhỏ và vỏ ốc. "Vỏ ốc khi thả sẽ chìm xuống đáy biển để các loài mực chui vào. Còn phao sẽ làm cho các lưỡi câu nổi lên khỏi đáy biển khoảng 20cm, và khi cá, cua, ghẹ đi ngang lưỡi câu sẽ quẫy đuôi hoặc quay đầu mà dính vào lưỡi câu", ông Lào nói.
Các loài thủy sản như cá, tôm, cua khi chúng bơi qua các đường câu sẽ tự mắc vào các lưỡi câu trôi theo dòng nước dưới đáy biển nổi lên lơ lửng cách lớp đất bùn khoảng 20cm. Ảnh: An An
Theo ông Lào, mỗi thợ câu có đến hàng trăm gắp câu với hàng triệu lưỡi câu được thả xuống biển, các đoạn dây câu có thể lên đến 3km. Với nghề bắt thủy hải sản như thế này, các loại cá, cua nhỏ sẽ dễ dàng thoát được, không tận diệt như các nghề khác.
Sau một đêm thả hàng triệu lưỡi câu xuống biển, các "câu thủ" phải tranh thủ ra biển từ khuya để thu lưỡi. Thành quả là các loài thủy hải sản sẽ được cho vào xuồng hay các phi và chạy oxy để cho chúng sống được tới vựa cân.
Để bán được với giá cao, khi thu lưỡi, người thả câu cho các loài thủy hải sản vào các phi nhựa có chứa nước rồi chạy oxy. Bằng cách làm này, quân bình mỗi ngày người đi thả lưỡi câu kiều có thể thu về từ 500 đến 1 triệu đồng. Ảnh: An An
Mỗi ký cá ngát sẽ được bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Ghẹ và cua biển sẽ bán được giá khoảng 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Mỗi ngày một người đánh bắt câu kiều kiếm được từ 10 đến 20 kg cá ngát, cá đuối, ghẹ, cua biển kiếm được thu nhập từ 500 nghìn đến hơn một triệu đồng.
Người hành nghề câu kiều hoạt động từ 7 đến 9 tháng hàng năm. Và khi những tháng biển động, đồ nghề được bà con cuốn vào nhà và đợi đến khi biển êm thì lại tiếp tục ra khơi đánh bắt.
Theo Hoàng Hạnh/ Dân Việt