Ngay từ mồng 7 Tết nguyên đán, các nhà vườn tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã bắt đầu nhận chăm sóc cây mai của khách đến gửi. Ghi nhận của PV, thời gian khách bắt đầu đem cây mai gửi nhiều nhất bắt đầu từ sau mồng 10 Tết.
Qua chia sẻ của các nhà vườn, việc chăm sóc cây mai ngay sau Tết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của cây và quyết định cho việc ra hoa cho cả mùa Tết năm sau.
Chính vì vậy, các nhà vườn cũng đang tất bật chăm sóc những cây mai vàng trong vườn nhà mình.
Năm nay, vườn mai của gia đình ông Nguyễn Văn Liên (trú tại tổ 5, phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) nhận chăm sóc 150 chậu mai vàng của khách gửi đến.
Trong số này, hầu hết cây mai vàng nhận về chăm sau Tết là mai của vườn đã bán cho khách nhiều năm nay. Tiền công chăm sóc sẽ phụ thuộc theo giá trị của cây. Cây mai vàng có giá cao thì tiền công càng nhiều.
Ông Liên cho biết, cây mai vàng sau khi chơi Tết thường sẽ tàn, mất sức, sinh trưởng kém do đã tập trung nhựa để nuôi hoa trước đó.
"Nếu chăm sóc không đúng cách càng khiến cây mai vàng bị suy kiệt. Chính vì vậy, việc chăm sóc mai cảnh đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, cẩn thận và có kinh nghiệm...", ông Liên tiết lộ.
"Công đoạn đầu tiên là cắt cành, tước bỏ nụ và hoa còn sót lại trên cây để năm sau cho bộ hoa đẹp hơn và có hoa nhiều hơn.
Sau đó là tiến hành vệ sinh cây bằng cách dùng vòi nước phun mạnh vào cây cho bong tróc hết rong rêu nấm mốc ở phần thân và rễ cây.
Tiếp theo, là công đoạn thay đất, tỉa rễ. Đất thay sẽ được trộn theo công thức gồm cả xơ dừa, trấu... theo tỉ lệ nhất định.
Khoảng thời gian sau thì đều đặn bón phân cho cây ra mầm, làm bông, nuôi nụ. Cùng với đó là tưới nước với liều lượng vừa đủ để cây phát triển tốt", ông Liên giải thích.
Trong khi đó, với hơn 200 chậu mai vàng mà khách hàng gửi sau Tết, hai vợ chồng ông Lê Văn Thảo (cùng trú tại tổ 5, phường Yên Thế, Tp Pleiku, tỉnh Gia Lai) những ngày qua cũng đang bận rộn chăm sóc.
Tùy theo từng chậu mai vàng lớn, nhỏ thì vườn mai của ông Thảo nhận chăm từ 700 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/cây/năm.
Theo ông Thảo, việc chăm sóc cây mai tưởng chừng như đơn giản nhưng lại tốn nhiều chi phí, nhân công chăm sóc.
Sau khi cây mai bung hết hoa trong mấy ngày xuân, cây mai vàng bắt đầu yếu nên các nhà vườn phải thay đất mới, bón phân, tỉa cành, bấm đọt, tạo thế, tưới nước, lặt lá...Tất cả những công đoạn này phải làm công phu.
"Với những chậu mai vàng chưng trong nhà ngày Tết, do không được tiếp xúc thường xuyên với ánh mặt trời nên cây sẽ không quang hợp được.
Từ đó, lá sẽ mỏng hơn, có màu xanh nhạt. Chính vì vậy, việc đầu tiên là mang chậu mai ra ngoài sân rồi phơi trong vòng 1 tuần để cho ánh nắng quang hợp. Bên cạnh đó, khâu bón phân cũng là yếu tố quan trọng. Khi lá đã ra đầy đủ và chỉ bón với một lượng vừa đủ.
Không nên bón nhiều bởi rễ cây chưa hoạt động mạnh. Nếu bón quá nhiều nhiều phân có thể làm cây bị chết", ông Thảo chia sẻ.
Còn anh Võ Ngọc Khánh, chủ vườn mai Khánh Ngân (tổ 5, phường Yên Thế) cho rằng, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc cây mai ra hoa và nở đúng dịp Tết vẫn là thời tiết.
"Nếu cuối năm nắng tốt, khí trời ấm áp thì chắc chắn hoa mai sẽ nở sớm. Do vậy, nhà vườn phải lặt lá trễ.
Ngược lại, nếu nửa tháng cuối năm xuất hiện bất chợt những cơn mưa, tiết trời se lạnh thì cây mai vàng sẽ nở trễ. Khi đó, chúng ta phải tiết hành lặt lá mai sớm hơn để mai nở vào dịp đêm 30 và những ngày tết", anh Khánh nói.
Theo các nhà vườn, trong quá trình chăm sóc, nếu cây mai vàng bị chết hoặc không ra hoa đúng dịp Tết thì cơ sở chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.
Còn hoa mai nở không đúng dịp Tết thì các nhà vườn chọn những cây mai vàng nở khác để khách hàng mang về trưng bày trong những ngày Tết.
Theo Hoàng Lộc/Dân việt