Biến mo cau thành "mỏ vàng"
Nhận thấy quê hương Quảng Ngãi là “Xứ sở ngàn cau” có vùng nguyên liệu hàng nghìn ha, quy mô lớn ở miền Trung, Năm 2020, anh Nguyễn Văn Tuyến quyết định rời quê đến địa phương này thuê đất mở xưởng sản xuất kinh doanh.
Từ xưa đến nay, vào mỗi mùa thu hoạch, người dân miền Trung chỉ biết thu hoạch trái cau để bán cho thương lái. Còn mo cau rơi xuống đất chỉ dùng đồ chơi “kéo mo cau” cho trẻ em hoặc bỏ mặc vương vãi khắp vườn quê. Tuy nhiên thời gian gần đây, người dân ở Quảng Ngãi đã có thu nhập ổn định nhờ vào việc bán mo cau cho xưởng sản xuất của anh Tuyến.
Để đáp ứng cho dây chuyền sản xuất, trung bình mỗi tháng anh Tuyến chi 150 triệu đồng thu mua hơn 150.000 mo cau tại các nhà vườn của nông dân Quảng Ngãi.
“Từ ngày có xưởng sản xuất của anh Tuyến hoạt động, người già như chúng tôi có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tùy theo từng loại, mỗi chiếc mo cau được anh ấy thu mua với giá từ 1.000 đến 1.500 đồng”, bà Trần Thị Hai (ngụ xã Hành Đức, huyện Nghũa Hành) cho hay.
Đem "mỏ vàng" mo cau đi chào hàng thế giới
Sau khi thu mua vận chuyển từ nhà vườn về kho tập kết, người lao động đưa nguyên liệu vào bể ngâm nước cho mềm, vệ sinh sạch bụi bẩn, phơi khô ráo.
Công nhân đưa mo cau vào khuôn ép nhiệt, sau đó dùng dao cắt theo đường viền, tạo hình cho sản phẩm.
Mỗi ngày, xưởng anh Tuyến cho ra nhiều nhất khoảng 5.000 sản phẩm gồm các chủng loại nhưng đĩa hình chữ nhật, đĩa tròn, thìa, muỗng, chén lớn, nhỏ. Các sản phẩm này đủ độ chắc và không thấm nước, khử khuẩn, đóng gói trong trong bao nylon ép nhiệt, có thể đựng thức ăn, trái cây, mắm, muối, gia vị...
Liên tục ba năm qua, sản phẩm mo cau của chàng trai trẻ đã tạo tiếng vang ở các hội chợ nông nghiệp trong nước và được Hãng Hàng không VietJet đưa vào phục vụ cho khách thương gia. Sau đại dịch Covid-19, kinh tế phục hồi, anh Tuyến tin tưởng thời gian tới, sản phẩm từ mo cau được người dân Việt Nam tin dùng, biết đến nhiều hơn.
Song hành với sản phẩm mo cau, Tuyến cũng đã ép thành công lá tra biển (còn gọi là lá nho biển) để làm chén đĩa vừa tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân vừa góp phần bảo vệ loài cây chống sạt lở, giữ đất ven biển các tỉnh miền Trung.
Qua thẩm định, cơ quan chức năng đánh giá chén, đĩa mo cau là sản phẩm nông nghiệp thương mại độc đáo, thân thiện môi trường. Mới đây, anh đã mở rộng nhà xưởng, lắp đặt thêm hàng chục máy ép sản xuất sản phẩm mo cau để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một đôi giày được sản xuất từ nguyên liệu mo cau tại xưởng của Tuyến. Lãnh đạo huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), ghi nhận xưởng mo cau của anh Tuyến vừa góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho nông dân vừa là hướng đi mới của ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng thương mại bền vững từ cây cau của địa phương.
Theo Minh Thu/Báo Du Lịch