Chàng trai thu bộn tiền nhờ giúp người khác giải tỏa stress

Google News

Thử làm mô hình hồ bán cạn rồi đăng lên mạng xã hội bán, chàng trai 30 tuổi ở TPHCM bất ngờ khi khách hàng "chốt đơn" tới tấp, thu nhập lên đến 40 triệu đồng/tháng.

Mãn nhãn với khu rừng "thu nhỏ"
Từ năm 2019 đến nay, thú chơi hồ bán cạn của những người yêu thủy sinh, cá cảnh dần phổ biến tại Việt Nam. Riêng tại TPHCM, cộng đồng Hội Thủy sinh và Bán cạn Sài Gòn đã có hơn 18.000 người theo dõi. Hàng ngày đăng tải nhiều hình ảnh về các mẫu bán cạn được ví như khu rừng thu nhỏ, được đặt trên bàn làm việc, phòng ngủ,… giúp tinh thần thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên.
Là một trong những người theo đuổi khi bộ môn này khi mới phổ biến ở Việt Nam, anh Mai Chí Thanh (30 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đã có được cho mình bộ sưu tập hồ bán cạn "đồ sộ" trong cộng đồng.
Chàng trai chia sẻ, mô hình hồ bán cạn thích hợp với những ai yêu thiên nhiên, cây cỏ nhưng lại không có đủ chi phí cũng như không gian đủ rộng để trồng cây hoặc xây dựng hồ nước lớn trong khuôn viên nhà ở. Hồ bán cạn là mô hình thích hợp trưng bày ở bất cứ đâu, người chơi có thể chăm sóc và ngắm nhìn hệ sinh thái thu nhỏ ngay cả khi ở cơ quan làm việc.
Chang trai thu bon tien nho giup nguoi khac giai toa stress
Trong một lần tìm đến các tiệm kinh doanh cây thủy sinh để tìm hiểu cách diệt rêu, làm trong nước hồ cá, anh Thanh vô tình "phải lòng" mô hình hồ bán cạn từ đó (Ảnh: Nguyễn Vy).
Hiện anh đang theo đuổi dòng Paludarium - mẫu biến thể của bể thủy sinh gồm đất đá, cây xanh, nước… Tất cả đều được bố trí trong lòng kính nhưng không đậy kín như các dòng khác.
Bể này có 20-40% là nước để nuôi cá, không gian còn lại là nơi sinh trưởng của các loài cây cảnh thật và một số tiểu cảnh như suối, cầu treo, nhà cửa,…
Để làm ra một chiếc hồ bán cạn hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua 3 bước chính và rất nhiều bước phụ, đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo không ngừng với thời gian 1 tuần.
Trước hết, anh Thanh sẽ phác thảo bố cục của hồ bán cạn rồi bắt đầu dùng đá kẹp kem hoặc đá đen định hình theo mẫu. Sau đó, người thợ sẽ trang trí các tiểu cảnh chính, phụ gồm cây rêu, đất,… rồi cố định sao cho không bị rơi trong lúc vận chuyển.
"Một bể bán cạn đẹp là khi nhìn vào, người ta thấy được sự kết hợp của các yếu tố trên trong một bố cục hoàn chỉnh. Chúng tôi ưu tiên sử dụng những sản phẩm tự nhiên, vì hồ bán cạn là phải có hồn, khiến người xem cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. Ngoài ra, các tiểu cảnh cũng có thể thay đổi tùy theo sở thích của người chơi", anh Thanh chia sẻ.
Chia sẻ về quá trình theo đuổi bộ môn này, anh Thanh cho biết, anh gặp không ít khó khăn vì hiếm có trường lớp nào hướng dẫn bộ môn này. Vì thế, anh phải tự nghiên cứu trên Internet, tham khảo sách báo nước ngoài để mô hình ngày càng hoàn thiện. May mắn trong một lần tìm kiếm, anh tìm được cộng đồng Hội Thủy sinh và Bán cạn Sài Gòn, từ đó có cơ hội trao đổi, học hỏi cách làm từ những người đi trước.
Chang trai thu bon tien nho giup nguoi khac giai toa stress-Hinh-2
Điểm chung của các dòng hồ bán cạn, chính là người chơi có thể thu nhỏ các tiểu cảnh như cây, suối, hồ, đất,... để tạo nên hệ sinh thái trong chính không gian của mình (Nguyễn Vy).
Kinh doanh thử, lợi nhuận thật
Hàng ngày, sau khi tan ca, anh Thanh liền bỏ cả buổi tối để nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều tiểu cảnh cho hồ bán cạn thêm sinh động. Theo anh Thanh, mô hình hồ bán cạn trên thị trường chung thường có giá thành không rẻ do nguyên vật liệu đắt, thời gian gia công cũng lâu. Song anh đều cố gắng thiết kế, tìm nguồn nguyên liệu hợp lí để tối giảm mức chi phí cho người chơi.
Các sản phẩm đa dạng nhiều loại, tùy theo kích thước trung bình từ 30-60 cm, giá dao động từ 1,3 - 15 triệu đồng. Trung bình một tháng, anh có thể kiếm được từ 10 đến 40 triệu đồng, tùy vào số lượng đơn hàng và năng suất làm việc.
Chang trai thu bon tien nho giup nguoi khac giai toa stress-Hinh-3
Mô hình hồ bán cạn thích hợp với những ai yêu thích thiên nhiên nhưng không có nhiều điều kiện về tài chính, cũng như không gian rộng lớn (Nguyễn Vy).
"Làm cái này chủ yếu vì đam mê thôi, có nhiều anh em cũng yêu thích nhưng không có điều kiện chơi nên chúng tôi cũng cố gắng làm với giá thành rẻ nhất. Nhớ nhất là đơn hàng đầu tiên do một anh shipper mua. Lúc đó ảnh mê lắm, kêu tôi đợi ảnh đi làm về là ghé mua ngay", anh Thanh kể..
Vì hiểu tâm lý của một số người muốn chơi nhưng chưa có điều kiện, anh Thanh sáng tạo thêm nhiều mẫu hồ cho anh em cùng tham khảo, rồi cũng có thể tự làm nên chiếc hồ cho riêng mình.
Được biết, thị trường mua bán hồ bán cạn hiện tại sôi động hơn trước rất nhiều, người chơi đã chịu đầu tư và sáng tạo hơn cho sản phẩm của riêng mình.
"Để tạo ra sản phẩm đẹp, người làm cần đi trải nghiệm thực tế ở rừng núi, sông suối sẽ có nhiều cảm xúc và ý tưởng để thực hiện. Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và phát triển thêm nhiều mẫu mã hơn, sau đó đăng tải lên cộng đồng, giao lưu cũng như hướng dẫn cho nhiều anh em có chung niềm đam mê", anh Thanh nói.
Theo Dân Trí