Lên đời sữa đậu nành
Vừa khai trương chưa được bao lâu, một cửa hàng nằm trong hệ thống chuỗi đồ uống từ đậu nành trên phố Phạm Ngọc Thạch đã phải đóng cửa dù vẫn còn thời hạn thuê. Ngôi nhà mặt tiền rộng, được đầu tư nội thất lên tới hàng trăm triệu đồng giờ khóa cửa để không.
Sữa đậu nành là thức uống quen thuộc, hợp với túi tiền của mọi người nhưng chủ yếu bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ, chưa có một thương hiệu nào. Chính vì thế, thị trường đồ uống bắt đầu xuất hiện một số chuỗi cửa hàng với tham vọng nâng cấp sữa đậu nành.
Mr Bean từ Singapore, được Egroup của Shark Thủy nhượng quyền từ năm 2018, đã khai trương cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Trong khi đó, tên tuổi trong nước là Soya Garden, chuỗi đồ uống từ đậu nành cũng thành lập vào cuối tháng 4/2016. Tháng 12/2017, Soya Garden nhận được cam kết đầu tư 15 tỷ đồng từ ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Egroup thông qua chương trình Shark Tank.
|
Sữa đậu nành chật vật lên đời |
Sau khi được bơm vốn, Soya Garden đã mở rộng số lượng lên tới hàng chục cửa hàng không chỉ ở Hà Nội mà còn đặt chân tới thị trường TP.HCM và một vài tỉnh khác. Thậm chí, chuỗi này còn đặt mục tiêu mở 300 cửa hàng, số lượng không hề thua kém các chuỗi F&B lớn hiện nay như The Coffee House hay Highlands.
Theo đánh giá của người sáng lập, trên thị trường đã rất chật chội với nhiều thương hiệu F&B khác nhau, nhưng việc xây dựng một lối sống lành mạnh hơn cho khách hàng thông qua việc ăn uống vẫn còn chưa được quan tâm nhiều.
Thị trường đậu nành ở các nước lân cận rất phát triển như Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc. Đặc biệt ở Singapore, đậu nành trở thành thức uống không thể thiếu của người dân. Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu thực phẩm sạch và thực phẩm hữu cơ ngày càng nhiều hơn và đậu nành sẽ trở thành nguồn protein hàng đầu cho những người yêu thích sản phẩm hữu cơ.
Với thị trường khó tính như Nhật Bản, Singapore lại chấp nhận đậu nành trở thành sản phẩm tiêu dùng hàng đầu thì không có lý do gì Việt Nam lại không làm được như vậy trong khi cuộc sống của người Việt ngày càng nâng cao, startup đang đứng trước cơ hội lớn để tạo nên một trào lưu mới với hạt đậu nành.
Bài học Món Huế
Tuy nhiên, những tham vọng của chuỗi sữa đậu nành vẫn đối mặt khá nhiều áp lực. Trong khi Soya Garden đang chật vật trên thị trường thì dòng status cuối cùng trên Fanpage của Mr Bean Việt Nam là vào 25/11/2019.
Qua câu chuyện của Món Huế cho thấy, nhà đầu tư bỏ qua những cái nhỏ như tìm hiểu kỹ về thói quen ăn uống, văn hóa tiêu dùng của người Việt đã dẫn đến những tổn thất lớn.
Khảo sát cho thấy, lượng khách hàng tới ngồi các quán không nhiều như trà sữa hay cà phê dù cho là loại đồ uống tốt cho sức khỏe. Ở thời điểm đầu khi vừa ra mắt, cửa hàng chỉ có hai sản phẩm chính là sữa đậu nành và beancurd (món tráng miệng làm từ đậu nành của Singapore). Sau đó, thực đơn đã được mở rộng tuy nhiên đánh giá khách quan cho thấy, mức giá cao từ đồ uống hữu cơ khiến cho không phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.
|
Cửa hàng vỉa hè cạnh tranh về giá |
Khách hàng chính của cửa hàng sữa đậu nành là nữ, từ 22-23 tuổi trở lên, đã đi làm, có thu nhập nên đã làm giảm một lượng lớn nam giới. Quan niệm “sữa đậu nành không hợp nam giới” cũng khiến cho đàn ông không có ý định rủ nhau vào các quán này.
Đối thủ cạnh tranh là các chuỗi cà phê, trà sữa liên tục mở rộng và nhiều loại đồ uống mới ra đời thu hút giới trẻ. Còn các cửa hàng truyền thống tào phớ sữa đậu nành phục vụ học sinh, sinh viên lại có lợi thế thế về giá.
Bên cạnh đó, việc phát triển quy mô, số lượng chi nhánh theo cách ồ ạt, lấy số lượng mà không lường trước rủi ro tài chính là một trong những nguyên nhân gây ra “cái chết” của nhiều chuỗi cửa hàng như món Huế.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Savills Hà Nội nhận định, rất nhiều DN, cá nhân hoạt động trong F&B phải cạnh tranh rất quyết liệt để lấy được mặt bằng thuê tại khu vực trung tâm, nhưng lại quên đi bài toán về lợi nhuận.
Thực tế, bất kể mặt bằng có tốt bao nhiêu, giá trả cao như thế nào, đông khách ra sao nhưng giá sản phẩm bán ra cho khách niêm yết không thay đổi. Cố lấy mặt bằng đẹp nhưng kinh doanh lại không đạt như kỳ vọng dẫn đến mặt bằng dễ bị trống và gặp khó khăn.
Bài học từ Món Huế chứng tỏ rằng ước mơ có được những thương hiệu Việt Nam đủ mạnh, nâng cấp và phục vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, cần dựa trên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, còn nếu chỉ chạy theo số lượng và làm thương hiệu chắc chắn sẽ bị phá sản.
Theo Duy Anh/Vietnamnet