Ông Đặng Văn Sết, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chia sẻ thật tình: “Ngày trước, tôi cũng như nhiều hộ dân ở xã trồng lúa, sau trồng cây ăn trái, rồi chuyển sang nuôi cá thịt. Nhận thấy nuôi cá kiểng chi phí ít và rủi ro thấp nên tôi đã chuyển sang nuôi cá kiểng. Hiện tại với 8.000 m2 nuôi cá kiểng, mỗi tháng tôi thu lãi từ 60 - 80 triệu đồng”.
Ông Đặng Văn Sết có gần 10 năm nuôi cá kiểng cho biết: “Ngày trước, tôi cũng như nhiều hộ dân ở xã Mỹ Hội trồng lúa, sau đó lên liếp trồng cây ăn trái, rồi chuyển sang nuôi cá thịt. Nhận thấy nuôi cá kiểng chi phí ít và rủi ro thấp nên tôi đã chuyển sang nuôi cá kiểng. Hiện tại với 8.000 m2 nuôi cá kiểng, mỗi tháng tôi thu lãi từ 60 - 80 triệu đồng”.
|
Nhờ nghề nuôi cá kiểng mà nhiều hộ nông dân xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang trở nên giàu có. |
Thành công của ông Sết đã mở ra phong trào nuôi cá kiểng ở xã Mỹ Hội, từ đó giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như anh Nguyễn Thành Lâm từ hai bàn tay trắng, sau 2 năm chuyển sang nuôi cá kiểng đến nay thu nhập mỗi tháng trên dưới 20 triệu đồng. Không nuôi với diện tích lớn, 500 m2 hồ nuôi cá kiểng của anh Đặng Văn Hùm cũng cho lãi từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Anh Hùm cho biết, nghề nuôi cá kiểng tuy vất vả nhưng thu nhập cao và ổn định.
Dù vậy, theo nhiều nông dân nuôi cá kiểng, cá kiểng thường mắc các bệnh như cháy đuôi, cháy mình, bọ mang. Ngoài ra, người nuôi phải thường xuyên thay nước, vệ sinh hồ để hạn chế bệnh phát sinh trên cá. Do đó, để nuôi cá kiểng mang lại hiệu quả cao, các nhà chuyên môn khuyến cáo người nuôi không nên chọn nuôi những giống cá thường mắc những chứng bệnh khó trị hoặc không trị được, chỉ chọn những giống cá kiểng dễ nuôi, thị trường tiêu thụ tốt như: Hồng nhung, rambô, bảy màu, hồng kim...
Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Lư Tấn Nhiều cho biết, mô hình nuôi cá kiểng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ vài hộ nuôi ban đầu, đến nay mô hình đã phát triển rộng khắp trên địa bàn xã, với gần 20 hộ nuôi cá kiểng, diện tích 34.500 m2. Năm 2016, xã đã triển khai Dự án Phát triển mô hình sản xuất cá kiểng trên bề lót bạt. Theo đó, dự án đã hỗ trợ cho 12 hộ nuôi cá kiểng (mỗi hộ được hỗ trợ 30 con cá giống, 100 kg thức ăn); đồng thời mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các hộ nuôi. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ về con giống, thức ăn để phát triển mô hình nuôi cá kiểng ở địa bàn. Bên cạnh đó, xã đang xem xét thành lập hợp tác xã để tiết kiệm chi phí nuôi, mở rộng đầu ra cho cá kiểng.
Theo Quốc Tuấn/Báo Ấp Bắc