Điển hình là clip một cô gái ăn mặc có phần gợi cảm, chạy xe sang với tựa đề: "Từng là cô gái bán trà đá, sau 3 tháng làm tài chính đã sắm được xế hộp". Không những không trầm trồ, mà thậm chí đa phần ý kiến còn bóc mẽ, bởi sự khoe khoang của cô. Thậm chí nhiều trường hợp khác, có những clip mô tả cụ thể dịch vụ thuê các cọc tiền, thuê điện thoại xịn, xe sang, chỉ để quay clip; hay ảnh bát phở ăn sáng cũng là bê nguyên từ trên mạng.
"Dấu hiệu nhận diện các chuyên gia tài chính không làm mà vẫn muốn có ăn: Một là sống ảo nhiều quá phát bệnh, hoặc 2 là dân lừa đảo mới nhập môn", một tài khoản mạng chia sẻ.
Sự ngô nghê hay quá lố trong đánh bóng bản thân đôi khi cũng chính là công thức của những nhân viên trên các sàn tiền ảo tự xưng, như có thành viên đã chia sẻ: "Khi tôi vào hội là được phổ biến kiến thức, dạy đăng bài sống ảo hàng ngày. Thậm chí, chúng tôi còn có một kho dữ liệu bao gồm các bài viết, hình ảnh sang chảnh để bất cứ hội viên nào cũng có thể lấy". Hay như cách họ gọi nôm na là "lùa gà".
"Thiên thần đọc lệnh hay nữ hoàng tỉa nến còn phải ăn mì tôm và bốc bát họ để sống qua ngày cơ mà. Thế giới mạng nên sẽ chẳng ai biết ai là ai", một tài khoản mạng nói.
Những lời quảng cáo, khẩu hiệu của nhóm đa cấp. (Ảnh: Dân trí)
"Muôn đời câu chuyện không làm mà vẫn có ăn, không cần kiến thức, hiểu biết mà vẫn có tiền… muôn đời cũng chỉ là đa cấp biến tướng gắn thêm mác 4.0", một tài khoản mạng khác cho hay.
Có thể thấy, những nam thanh nữ tú bị bóc phốt này mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi sự xuất hiện nhan nhản của những hình mẫu kiểu như thế cho thấy vẫn sẽ có không ít người tin vào giá trị của những hình ảnh được xây dựng trên mạng xã hội, để trót tin rằng, những sàn tiền ảo đa cấp biến tướng mà hệ thống bản tin trên VTV1 đã không ngừng cảnh bảo thời gian qua, là cách để làm giàu thực sự. Mọi chiêu trò đa cấp biến tướng, ranh giới giữa nạn nhân, để rồi tự mình trở thành kẻ lừa đảo, tự mình khoe khoang và lôi kéo bạn bè, người thân thực sự rất mong manh.
Theo PV/ VTV