Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, những ngày gần đây, các nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội đều đồng loạt đóng cửa. Tuy nhiên, trái ngược với sự đìu hiu, vắng vẻ ngoài phố, “chợ online” trên mạng xã hội lại tấp nập, nhộn nhịp hơn hẳn trước đó. Đặc biệt, trong các group của cư dân trong cùng khu chung cư liên tục xuất hiện các bài đăng rao bán và hỏi mua.
Bán đồ ăn ở "chợ online” chung cư Park Hill- Times city (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Hà cho biết, 1 tháng trở lại đây, các loại đồ ăn vặt và thức ăn hàng ngày đắt khách hơn hẳn. Doanh thu của chị tăng gấp 3-4 lần so với trước tết, có ngày lên tới cả chục triệu đồng.
|
Rất nhiều sản phẩm được đưa lên rao bán ở các group cư dân ở chung cư. |
"Bán hàng ở chợ online trong khu chung cư khá dễ bán, lại không tốn tiền thuê mặt bằng nên giá rẻ hơn bên ngoài khoảng 20%, thêm vào đó, mình freeship cho tất cả các đơn hàng từ 50.000 đồng trở lên nên mọi người đặt mua khá đông. Vì bán chủ yếu cho cư dân nên mình chỉ lấy hàng uy tín, khách đặt một lần là sẽ mua tiếp các đợt sau", chị Hà nói.
Theo chị Hà, đồ ăn vặt ngoài các loại chè, bánh ngọt, dimsum, thì các loại thịt bò khô, xúc xích, gà ủ muối… cũng khá đắt khách. Gần đây, chị còn bán thêm một số thực phẩm quê như gà, vịt, thịt lợn sạch, rau củ… nên có ngày mỗi khách đặt mua cả triệu đồng.
Tương tự, mấy ngày qua, chị Nguyễn Thị Vân ở chung cư HH tại Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng cho biết, các đơn hàng liên quan đến thịt gà, hải sản đông lạnh, rau củ quả có nguồn gốc từ quê đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đó. Theo chị, do toàn là hàng sạch, giá lại phải chăng và quan trọng là ship tận nhà cho khách nên hàng bán rất chạy trong mùa dịch.
"Giờ nhà nào cũng ăn uống cả ba bữa ở nhà nên lượng hàng tôi bán được cũng nhiều hơn hẳn so với trước đây. Mình phải thuê thêm 2-3 em nhân viên chuyên ship hàng vì số lượng đơn mua tăng vọt ", chị Vân cho hay.
Đặc biệt, ngoài bán thực phẩm của nhà, thấy sức mua của cư dân chung cư lớn, nên chị Vân còn nhập thêm một số thực phẩm khác về bán: "Đợt này nhiều nhà hàng phải đóng cửa, hàng nhập về tồn nhiều nên họ giảm giá để xả hàng, nên mình quyết định bán thêm các loại thịt bò nhập khẩu, cá hồi, đế pizza… theo set, khách mua về chỉ việc chế biến là có thể ăn ngay như ở nhà hàng mà giá lại rất phải chăng nên rất hút khách. Có ngày mình bán được đến nửa tạ thịt bò”.
Hay trường hợp chị Nguyễn Hải Yến, trước có cửa hàng chuyên bán hàng cháo gà, phở gà nhưng do phải đóng cửa, nay cũng chuyển qua bán hàng trên "chợ online chung cư" nơi chị ở.
"Thay vì bán tại cửa hàng, giờ tôi nhận đơn từ ngày hôm trước, sáng chế biến rồi đóng hộp, ship tận nhà cho khách. Thường buổi sáng, tôi phải huy động cả chồng và hai con đi giao hàng cho khách trong chung cư mới kịp", chị Yến chia sẻ.
Cũng ở nhà vì dịch Covid-19, chị Phương Liên (ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tranh thủ gom đồ sạch ở quê lên chợ chung cư bán. “Bán hàng online chỉ là phụ thôi nhưng trong lúc khó khăn, lương giảm thì cũng giúp mình cải thiện thu nhập. Mình bán ngay trong khu chung cư bởi mình còn làm việc online ở nhà. Những món đồ quê vừa rẻ lại đảm bảo nên mọi người rất thích”.
Cả người bán và người mua đều có lợi
Theo chia sẻ của chị Phạm Bảo Ngọc, cư dân ở chung cư Times city, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chị cảm thấy mua online cũng nhiều rủi ro. Trước đây, chị ít khi mua hàng online nhưng nay dịch bệnh lan rộng, chị hạn chế đi ra ngoài và tăng cường tìm mua hàng trên mạng. Tham gia vào "chợ online” ở khu chung cư, không ngờ thấy nhộn nhịp và có đủ thứ cần mua.
"Trước đây đi làm thì tôi thường qua chợ mua cho tươi ngon, nhưng gần đây, tôi mua luôn ở chợ trong group cư dân cho tiện. Đặt mua của những người chung sống cùng khu, biết chính xác địa chỉ người bán thì cũng yên tâm hơn. Bởi nếu hàng hóa có vấn đề gì có thể tới tận nơi phản ánh hay trả lại. Tôi thấy nhiều mặt hàng còn rẻ hơn khi mua ở bên ngoài, cần mua lúc nào cũng được giao hàng tận nhà mà không mất tiền ship”, chị Ngọc chia sẻ.
Dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết người dân, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, 1 lượng không nhỏ người lao động bị mất việc, giảm lương... Nhưng đây cũng là cơ hội để người dân chuyển dịch thói quen mua sắm.
Bởi thế, khi các cửa hàng tạm đóng cửa, ngoài phố vắng vẻ, đìu hiu nhưng trên các “chợ online” ở khu chung cư và “chợ mạng” vẫn hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp. Nhiều người chuyển sang bán hàng online như nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập khi công việc chính bị ảnh hưởng./.
Theo Diệp Diệp/VOV.VN