|
Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế hấp thụ vốn tốt giúp tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khá cao - Ảnh: Lã Anh.
|
Tăng trưởng cho vay luôn “vượt mặt” huy động
Theo Tổng cục Thống kê, đến ngày 20/9, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng là 10,08%, trong khi đó mức tăng trưởng cho vay là 11,02%. Như vậy, chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và cho vay là 0,94%. Trước đó, vào thời điểm ngày 20/6, kết quả thống kê cho thấy, mức chênh lệch còn cao hơn, tới 1,65% khi tăng trưởng huy động vốn chỉ 5,89%, trong khi tăng trưởng tín dụng 7,54%.
Riêng tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, 10 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động trên địa bàn 11,39%, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng khoảng 14,59%. Tuy nhiên, về giá trị tuyệt đối, hệ thống ngân hàng TP.HCM huy động khoảng 1.980 nghìn tỷ đồng, nhưng cho vay chỉ khoảng 1.698 nghìn tỷ đồng. Nghĩa là cho vay chưa tới 80% trên tổng con số huy động được. “Tăng trưởng cho vay tuy cao hơn tăng trưởng huy động, nhưng ngân hàng vẫn đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng rất dồi dào. Dòng vốn trên địa bàn đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cho sản xuất kinh doanh”, ông Minh khẳng định.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Vietbank, con số này cho thấy nhu cầu vốn trên thị trường từ đầu năm đến nay tương đối cao. Điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế hấp thụ nguồn vốn rất tốt. “Tăng trưởng huy động có thể thấp hơn tăng trưởng cho vay cũng là điều bình thường. Miễn là trên tổng lượng tín dụng thì huy động luôn cao hơn cho vay. Tại Vietbank huy động đến nay khoảng trên 31.000 tỷ đồng, nhưng cho vay chỉ khoảng 24.000 tỷ đồng và ngoài ra ngân hàng vẫn dư vốn tự có”, lãnh đạo ngân hàng này cho hay.
Cẩn trọng áp lực lên lãi suất, lạm phát
Tăng trưởng huy động thấp hơn so với tăng trưởng cho vay có dấy lên lo ngại thanh khoản của hệ thống ngân hàng gặp khó? Mang băn khoăn này chia sẻ với TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, ông Minh bác bỏ khả năng này và phân tích: Khi ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, một trong những biến động có thể nhìn thấy là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lãi suất trên thị trường này liên tục ở mức ổn định và theo xu hướng giảm ở ngưỡng thấp.
Tính đến cuối tháng 8/2017, tổng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm. Dự trữ ngoại hối tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016, đạt mức kỷ lục mới 45 tỷ USD, một phần nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư gián tiếp, trong đó riêng việc đấu giá Vinamilk đã giúp thu về cả tỉ USD. Chính vì thế, 6 tháng đầu năm, mặc dù Việt Nam nhập siêu 2,7 tỷ USD, nhưng nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào. Tất cả các yếu tố này cũng khiến thị trường vốn dồi dào càng phong phú hơn.
Tương tự, là diễn biến trên thị trường mở (OMO) - công cụ để Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống khi cần thiết. Cụ thể, OMO là hoạt động ngân hàng Trung ương mua vào hoặc bán ra những giấy tờ có giá của chính phủ trên thị trường. Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá, ngân hàng Trung ương tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường. Bài học những năm 2011, khi hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn thanh khoản vì những biến cố tại một số ngân hàng yếu kém, thông qua nghiệp vụ OMO, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra khối lượng tiền lớn để hỗ trợ kịp thời các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khối lượng tiền trên thị trường OMO lưu hành chỉ còn không đáng kể. “Điều đó cho thấy, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đến nay khá dồi dào”, ông Minh nhận định.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho rằng, từ nay đến cuối năm, ngân hàng đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về tiền gửi trung và dài hạn. Song song đó, việc cơ cấu lại thời hạn gửi tiền cũng giúp dòng vốn chảy vào ngân hàng nhiều hơn. “Trên cơ sở đó lãi suất có thể giảm, hoặc ít nhất là sẽ được duy trì ở mức như hiện nay”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, tăng trưởng 10% trên tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng trong hơn 1 tháng nữa, nghĩa là chúng ta sẽ phải bơm khoảng 600.000 tỷ đồng ra thị trường. Với số lượng cung tiền quá lớn không gây áp lực lên lạm phát trong thời điểm hiện tại, nhưng có thể gây lạm phát trong 1-2 năm tới nếu không thận trọng. Chưa kể việc cho vay mạnh tay vẫn tạo áp lực lên huy động. Khi huy động tăng, ngân hàng cũng khó có thể giảm lãi suất cho vay, việc giữ ổn định lãi suất cho vay cũng là một điều rất tốt.
Theo Yên Trang/Báo Giao thông