Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đa số khách hàng tìm mua dụng cụ thoát hiểm đều là cư dân sinh sống tại các chung cư, đặc biệt là chung cư cũ, nhà cao tầng hoặc nhân viên quản lý các tòa nhà.
Do đó, dây thoát hiểm là lựa chọn đầu tiên vì dễ sử dụng và lắp đặt. Sản phẩm chủ yếu có xuất xứ từ Hàn Quốc, được các cửa hàng cung cấp vật dụng PCCC, vật liệu xây dựng nhập khẩu và phân phối.
|
Người dân chọn mua mặt nạ chống khói ngày 23-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Tại Công ty Cung cấp thiết bị PCCC ở Q.12, anh Đỗ Minh Công giới thiệu các bộ dây thoát hiểm nhập khẩu hiệu DooSung và Nikawa có cùng tính năng, đồng thời khẳng định sản phẩm có đầy đủ giấy chứng nhận xuất xứ, PCCC, được bảo hành đến 3 năm.
"Chiều dài dây thoát hiểm từ 9-100m, tương ứng độ cao từ tầng 3 đến tầng 33, tùy theo yêu cầu của khách hàng" - anh Công giới thiệu.
Theo thượng tá Lương Nguyễn Hoàng - Giám đốc Trung tâm Thiết bị PCCC 4/10 (thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM), số lượng người đến trung tâm này tìm mua các thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho cháy nổ những ngày gần đây đông gấp nhiều lần ngày thường.
"Đây là phản ứng bình thường. Cứ mỗi lần có sự cố cháy nổ, người dân thường đổ xô đi mua các thiết bị PCCC nhưng sau đó lắng dần" - ông Hoàng nói.
Dù có hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP.HCM nhưng không dễ để người dân chọn mua được những sản phẩm đúng chất lượng, chưa kể việc nắm bắt cách thức bảo quản và sử dụng các thiết bị này cũng là một vấn đề.
Đại úy Lê Tấn Châu (Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 1, TP.HCM) cho rằng ngoài hệ thống PCCC, cứu hộ, cứu nạn sẵn có tại các chung cư cao tầng, người dân có thể trang bị thêm những thiết bị hỗ trợ khác.
Ông Châu khuyên rằng tùy nơi sinh sống và điều kiện sinh sống mà người dân lựa chọn cho mình những thiết bị dự phòng sao cho phù hợp.
Chẳng hạn như thang leo để di chuyển, mặt nạ phòng độc để bảo vệ đường hô hấp, bình chữa cháy mini, quả cầu chữa cháy trong nhà, túi thiết bị hỗ trợ chống cháy nổ...
Tuy nhiên, đại tá Châu khuyến cáo người dân cần quan tâm lưu ý những thiết bị này phòng khi gặp tình huống khẩn cấp để tự cứu mình hoặc cứu người khác, nên phải lựa chọn mua hàng chất lượng.
"Không nên có tâm lý mua hàng theo kiểu "rẻ, bền, đẹp" dễ phải gặp hàng kém chất lượng sẽ bị phản tác dụng. Ngoài ra, sau khi mua phải định kỳ kiểm tra thiết bị, phòng tránh thiết bị để lâu ngày bị hư hỏng, khi gặp sự cố mang ra sử dụng sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt phải biết cách sử dụng, học hỏi cách sử dụng thiết bị sao cho an toàn, hiệu quả", ông Châu nói.
Anh Hùng, cửa hàng trưởng Trung tâm Thiết bị PCCC 4/10, cho biết thị trường thiết bị PCCC gồm thiết bị PCCC, thiết bị cứu hộ, cứu nạn khá đa dạng.
Những tên tuổi lớn trong ngành chế tạo và cung cấp thiết bị PCCC, cứu nạn, cứu hộ đều hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Nhiều sản phẩm hỗ trợ thoát hiểm khác cũng được khách hàng quan tâm như búa phá cửa kính, balô, áo thoát hiểm, mặt nạ phòng độc nhập khẩu từ Hoa Kỳ... được quảng cáo là có sử dụng hai lớp lọc bằng than hoạt tính và màng poly lọc khói, bụi, hơi...
Tuy nhiên, nguy cơ hàng trôi nổi cũng khá cao bởi phần lớn thiết bị PCCC đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản..., trong đó Trung Quốc chiếm đa số, chất lượng rất khó kiểm soát.
Chẳng hạn, theo quy định, các bình chữa cháy như bình bột khô, bình khí CO2, bình chữa cháy bọt foam... đều phải được kiểm định và dán tem kiểm định trước khi đưa ra thị trường.
Thế nhưng hàng không được dán tem vẫn xuất hiện trên thị trường, khách dễ dàng mua được. Cũng có không ít trường hợp người dùng sau một thời gian đi nạp bình lại đến những nơi kém uy tín, nạp phải loại bột đá khô không có chức năng chống cháy.
Trong khi đó, tâm lý người mua là đối phó và mua cho an tâm nên không tìm hiểu kỹ chất lượng sản phẩm cũng như cách sử dụng, bảo quản các thiết bị này.
"Với mặt nạ chống ngạt khói, chúng tôi luôn khuyên khách hàng để ở đầu giường hoặc những nơi dễ lấy, dễ thấy và là thứ đầu tiên chúng ta nhớ tới khi có cháy. Bản thân mặt nạ chống khói cũng có nhiều loại, thời gian lọc khói tùy vào mức độ đậm đặc của khói" - anh Hùng nói.
Theo Như Bình-Trần Kiên-S.Bình/Tuổi Trẻ