Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket, doanh thu thuần của doanh nghiệp năm 2019 là 622 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Với tỷ suất lãi gộp 24%, lợi nhuận gộp của công ty trong kỳ vừa qua là 150 tỷ đồng. Ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 30%, các loại chi phí khác của Miliket không thay đổi nhiều. Sau cùng, Miliket báo lợi nhuận trước thuế 31 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 25 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Đến hết năm 2019, tổng tài sản của Miliket là 224 tỷ đồng, trong đó có tới 51 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền cùng 124 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn là tiền gửi có kỳ hạn còn lại không quá 1 năm tại các ngân hàng. Doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ khoản vay nợ nào.
Có lịch sử hoạt động hơn 45 năm, Công ty Colusa - Miliket sở hữu thương hiệu mì gói Miliket với hình ảnh đặc trưng hai con tôm trên bao bì bằng giấy.
Những năm 90 trở về trước, thương hiệu Miliket được xem như vua mì tôm. Vì hình ảnh bao bì của mì Miliket mà người tiêu dùng phía Nam quen gọi mì ăn liền là mì tôm.
|
Đồ họa: Việt Đức. |
Tuy nhiên, những năm 2000, khi các thương hiệu mì ăn liền trong và ngoài nước với tiềm lực tài chính lớn gia nhập thị trường, thế độc tôn trên thị trường của Miliket dần biến mất.
Những đại gia như Vina Acecook, Masan, Asia Foods nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần mì ăn liền với ưu thế về kênh phân phối, chiến lược quảng cáo, bao bì bắt mắt, danh mục sản phẩm đa dạng.
Từ người dẫn đầu, đến nay thị phần của Miliket chỉ chiếm khoảng 4% thị trường mì ăn liền tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh mì ăn liền truyền thống, Miliket đã phát triển thêm các sản phẩm thực phẩm chế biến như miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền và các mặt hàng gia vị như nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật. Dù vậy, sản phẩm mì gói giấy vẫn đem lại nguồn thu chính cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Miliket vẫn sản xuất mì ký (bán theo kg), sản phẩm không nằm trong danh mục của hầu hết thương hiệu lớn hiện nay.
Lợi nhuận 25 tỷ đồng/năm là một con số khiêm tốn so với các đại gia trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ vỏn vẹn 48 tỷ đồng không thay đổi trong hơn 10 năm qua, chủ thương hiệu mì hai con tôm đạt tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ ấn tượng hơn 50%.
Trong cơ cấu sở hữu hiện tại của Miliket, các cổ đông Nhà nước chiếm 51% vốn với hai pháp nhân Tổng công ty Lương thực Miền Nam (31%) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (20%).
Doanh nghiệp này còn hai cổ đông lớn là Công ty Mesa (20%) và ông Trịnh Việt Dũng (10%). Trong đó, công ty Mesa là đơn vị phân phối lớn nhất của Miliket. Chủ tịch Mesa, bà Lưu Thị Tuyết Mai cũng đồng thời làm chủ tịch HĐQT của Miliket.
Theo Việt Đức/Zing