Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa mới đây đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).
Thông báo cũng nêu rõ lý do tạm hoãn xuất cảnh với người đứng đầu Trung Nam Group. Cụ thể, ông Thịnh (sinh năm 1973) là người đại diện theo pháp luật Trung Nam Group - đơn vị đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
|
Ông Nguyễn Tâm Thịnh Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group. |
Trong danh sách nợ thuế quá hạn đến cuối tháng 3/2024, Cục Hải quan Khánh Hòa cho biết Trung Nam có số nợ quá hạn hơn 21 tỉ đồng.
Trước đó, hồi cuối tháng 1/2024, Cục Hải quan TP.HCM cũng ban hành quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Trung Nam Group. Nguyên nhân là doanh nghiệp này có khoản nợ thuế hơn 27,5 tỷ đồng quá thời hạn nộp 90 ngày. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực trong một năm từ ngày 31/1 và sẽ chấm dứt khi doanh nghiệp nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
Trung Nam Group được thành lập vào 2004, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Doanh nghiệp này được lèo lái bởi 2 doanh nhân khá kín tiếng là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) - Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) - Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Từ năm 2018, Trung Nam Group bắt đầu tham gia vào dự án năng lượng tái tạo và hiện đang sở hữu 4 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời, 3 dự án thủy điện.
Trong đó, nhiều dự án có quy mô lớn như Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk tổng công suất 400 MW (vốn đầu tư 16.500 tỷ), Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW kết hợp trạm biến áp 500kv (vốn đầu tư 12.000 tỷ), Nhà máy điện mặt trời Trung Nam công suất 204MW (6.000 tỷ), Nhà máy điện gió Trung Nam tổng công suất 151,95 MW (4.000 tỷ), Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh công suất 140 MW (3.500 tỷ), ...
Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng dư nợ trái phiếu của Trung Nam Group lên đến gần 24.300 tỷ đồng. Số nợ phải trả của doanh nghiệp này là 68.110 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 27.914 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của công ty cũng vượt mức 96.000 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, Trung Nam Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.
Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - một thành viên khác Trung Nam Group - cũng từng thông báo nợ hơn 50 tỉ đồng tiền lãi 3 lô trái phiếu với giá trị lưu hành hơn 2.500 tỉ đồng trong năm 2023, với lý do "nguồn thu tiền điện về chậm hơn kế hoạch".
Trong nửa đầu năm 2023, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 báo lỗ gần 400 tỷ đồng. Kỳ trước đó, doanh nghiệp này cũng báo lỗ 432 tỷ đồng. Riêng năm 2022, lỗ tới 859 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 tính đến cuối tháng 6/2023 còn 2.552 tỷ đồng, giảm so với con số 3.369 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 4,72 lần, ứng với nợ phải trả hơn 12,045 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 3,74 lần, tương ứng nợ trái phiếu còn hơn 9.544 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lợi (ROE) âm 15%, cùng kỳ âm 13%.
Minh Châu (t/h)