Có lẽ đến giờ người Arem ở xã Tân Trạch cũng chẳng tin mình có tiền triệu, tiền tỷ để ngoài vườn. Sau hơn chục năm, rừng cây sưa trồng quanh nhà đã đến tuổi trưởng thành. Hầu như nhà nào cũng có chục cây sưa đỏ.
Sống ở rừng nên người dân nơi đây chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện trồng cây. Ấy thế mà cách đây 10 năm, ông Nguyễn Hồng Thanh, khi đó đang là Bí thư Huyện ủy huyện Bố Trạch (giờ ông Thanh đã chuyển vị trí công tác khác) lên xã vận động bà con trồng cây. Nghe ông Thanh trình bày, bà con đều không đồng ý, họ bảo rằng: Ở đây cây đếm cả đời người không hết, giờ trồng vào đâu. Kiên trì vận động, “mưa dầm thấm lâu”, dần dần người dân cũng hiểu ra mục đích tốt đẹp của việc trồng cây gây rừng.
Theo lời kể của ông Thanh, bà con người Arem ra định cư ở thung lũng Arem từ năm 1992. Khi đó, chẳng hiểu sao, bà con liên tục gặp bệnh tật, ngành chức năng của huyện lên tận bản để kiểm tra tình hình. Sau khi xem xét từng hang cùng, ngõ hẻm, đoàn công tác cũng phát hiện ra được nguyên nhân gây bệnh cho bà con người Arem. Hóa ra, ở nơi mà bà con người Arem định cư từng có một kho chứa toàn thuốc sâu. Ngay sau đó, lãnh đạo huyện quyết định di dời dân ra sát đường 20 Quyết Thắng. Sau khi về bản mới và được ở trong những ngôi nhà sàn khang trang, món quà của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng, ông Thanh vận động bà con “xanh hóa” vùng đất vừa rời đi bằng cách trồng rừng.
|
Ông Đinh Giầu bên gốc sưa hơn chục năm tuổi. |
Đích thân ông Bí thư đã đi hỏi mua giống cây sưa đưa lên cho bà con trồng, bày cho bà con cách chăm sóc. Mỗi gia đình người Arem được phát từ 10 đến vài chục cây sưa. Trước tiên là vận động bà con trồng quanh nhà mình lấy bóng mát. Sau đó sẽ trồng rộng ra diện tích đất trống quanh bản.
Ông Đinh Giàu, nguyên cán bộ xã Tân Trạch và cũng là người đầu tiên tham gia trồng cây sưa. “Cái cán bộ nói rất phải, mỗi người, mỗi nhà trồng mấy chục cây là sẽ thành rừng”, ông Giàu nhớ lại. Nhà ông Giàu cũng trồng 20 cây sưa đỏ quanh nhà. Ông trồng hết đất nhà mình rồi vận động người khác làm theo. Chẳng mấy chốc mấy chục hộ dân của xã Tân Trạch đều trồng sưa. Bẵng đi 10 năm, giờ rừng sưa của bà con đã to bằng bắp chân người lớn. Cây nào cũng to và lên thẳng tắp.
|
Người A rem và người Macoong ở Bố Trạch đã biết cách bảo vệ rừng. |
Giờ rừng sưa đỏ đã khép tán, tỏa bóng mát. Thời gian gần đây, khắp nơi rộ lên phong trao tìm gỗ sưa bán cho tư thương kiếm lời. Nhiều tay buôn gỗ lậu cũng đã biết người Arem đang có rừng gỗ quý nên lên tận nơi dụ dỗ người dân bán gỗ sưa. Tuy tiền tỷ để ngoài vườn nhưng không một hộ nào hạ cây bán gỗ mà đồng lòng giữ rừng.
Ông Giàu cho biết thêm: “Cái cán bộ kiểm lâm và bà con đồng lòng giữ lại rừng sưa đỏ này. Đời mình chưa dùng thì giao lại cho con cái giữ bằng được”. Quán triệt phương án đó nên giờ đây người dân Arem còn tiếp tục xin giống cây để trồng thêm rừng.
|
Người A rem còn biết nuôi bò, tránh phá rừng. |
Theo ông Đinh Lầu, cán bộ xã Tân Trạch, hiện rừng sưa đã được giao cho 49 hộ trong xã bảo vệ, gìn giữ. Ban quản lý và bảo vệ rừng của xã trực tiếp phân lô, đếm cây, chủ hộ đứng ra nhận, có biên bản, có điểm chỉ hẳn hoi. Rừng sưa từ đây không chỉ là tài sản chung của bản, mà còn là tài sản riêng của từng hộ gia đình. Nhà nào làm mất, dù chỉ một gốc cũng bị phạt thật nặng.
Dẫn chúng tôi lên thăm rừng sưa của bà con, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch Đinh Lầu không giấu nổi niềm tự hào vì bà con của mình đã đồng lòng, chung sức tạo nên khu rừng gỗ quý này. Trên mỗi cây gỗ sưa đều được đánh dấu tên của từng hộ bằng màu đỏ: Đinh Dinh, Đinh Lầu, Đinh Pin, Đinh Cất, Đinh Vinh… Đây là cách để mỗi người dân có trách nhiệm với từng gốc cây, để bảo vệ, gìn giữ tốt hơn.
Theo Dân Việt