IVS bao lần vi phạm?
Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) vừa bị Cục Thuế TP. Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và truy thu 803 triệu đồng.
Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, IVS đã xuất hóa đơn hàng cho, biếu tặng nhưng không tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra theo quy định của Thông tư 219/2013/TT-BTC; về thuế thu nhập doanh nghiệp, Công ty hạch toán hóa đơn của đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh.
Với các vi phạm trên, IVS bị phạt với mức phạt 20% trên tổng số thuế tăng thêm qua thanh tra, số tiền là 106 triệu đồng. IVS còn bị truy thu 531 triệu đồng tiền thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng 166 triệu đồng tiền chậm nộp. Tổng số tiền IVS phải nộp về cho cơ quan Thuế là 803 triệu đồng.
|
Nhập nhèm hóa đơn, Công ty chứng khoán IVS bị Cục Thuế Hà Nội phạt và truy thu tổng số tiền lên đến 803 triệu đồng. (Ảnh minh họa). |
Theo tìm hiểu của PV, IVS thành lập vào năm 2007 có địa chỉ tại P9-10,tầng 1, Charmvit Tower, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 693 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trên đây không phải lần đầu tiên IVS vi phạm và bị phạt nặng. Trước đó, năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với IVS.
Cụ thể, IVS bị phạt 100 triệu đồng do thực hiện cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định. Công ty chứng khoán này còn bị phạt 125 triệu đồng do vi quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán.
Theo đó, Công ty mở tài khoản giao dịch ký quỹ và cho vay mua chứng khoán đối với Giám đốc chi nhánh; Giám đốc tài chính do Hội đồng quản trị bổ nhiệm và người có liên quan của những người này; Công ty giải ngân cho vay đối với một số mã chứng khoán không thuộc danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ; Công ty cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.
Trước đó, hồi tháng 1/2014, IVS từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 100 triệu vì sử dụng vốn, tài sản của Công ty để cho vay trái quy định của pháp luật.
Cổ phiếu IVS nằm trong diện cảnh báo
Một thông tin khác liên quan đến IVS mà các cơ quan truyền thông cho hay, cổ phiếu của IVS hiện đang nằm trong diện bị cảnh báo kể từ ngày 11/3/2020 do lợi nhuận sau thuế năm 2019 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 là số âm, thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.
Cụ thể, năm 2019, Chứng khoán IVS ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 5,5% xuống còn 23,6 tỷ đồng. Tuy vậy, việc phát sinh khoản lỗ đánh giá các tài sản tài chính FVTPL hơn 15 tỷ, khiến IVS phải gánh khoản chi phí hoạt động lên hơn 56 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với khoản chi phí phát sinh năm 2018.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp rưỡi cùng kỳ lên 29,4 tỷ đồng. Kết quả cuối năm IVS ghi nhận khoản lỗ hơn 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2018 có lãi 643,5 triệu đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2019 ghi âm gần 54 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9/2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty chứng khoán này vẫn ở mức trên 39 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu IVS đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, giá giao dịch ở mức quanh 6.000 đồng/đơn vị. Do chứng khoán niêm yết trong tình trạng bị cảnh báo nên Sở GDCK Hà Nội cũng đã thông báo về việc đưa cổ phiếu IVS vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ ngày 11/3/2020.
Khánh Hoài (T/H)