Chuyện đời ngược xuôi của những xe ôm công nghệ

Google News

Xe ôm công nghệ đang đem lại nguồn thu nhập tốt cho nhiều người. Nhưng khi càng có nhiều khách hàng họ càng dễ gặp... nguy hiểm.

Xe ôm công nghệ là dịch vụ xe ôm gọi thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh, xuất hiện tại Việt Nam khoảng 3 năm nay. Để sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần cài ứng dụng, nhập địa điểm đi - đến, tự khắc sẽ có tài xế liên lạc đến đón, thông báo số tiền trước khi xuất phát.
Điều kiện hành nghề xe ôm công nghệ gồm: Xe máy cá nhân, điện thoại thông minh. Sau khi đăng ký và nộp hồ sơ, người đăng ký sẽ được đào tạo kỹ năng phục vụ khách hàng. Thành phần tham gia chủ yếu là những người chưa có công việc ổn định, sinh viên ra trường không có việc làm hoặc đi làm thêm.
Chuyen doi nguoc xuoi cua nhung xe om cong nghe
Ảnh minh họa. 
Nguyễn Việt Anh, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, một tài xế của hãng Grab cho biết, chạy chăm chỉ có thể được khoảng 20 chuyến/ngày, còn ngày bình thường cũng khoảng trên dưới 10 chuyến, tùy thuộc vào lịch học. Thu nhập từ đó giao động khoảng 200.000 – 300.00 đồng/ngày, trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng. Theo Việt Anh, tổng số tiền thu được, tài xế được hưởng 85%, trả về công ty 15% phí cung cấp dịch vụ đặt xe. Tài xế phải chịu chi phí xăng xe, điện thoại và tự chịu trách nhiệm với mọi sự cố trên đường. “Tiền kiếm được từ xe ôm công nghệ đủ trang trải cho cuộc sống, không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập vì thời gian thoải mái”, Việt Anh cho biết thêm.
Còn anh Kiều Văn Minh (Ứng Hòa - Hà Nội) cho biết, từ ngày chạy xe ôm Grab, cuộc sống của gia đình anh ổn định hơn. Vì anh chạy cả ngày nên thu nhập tốt hơn những người đi làm thêm. Bình quân một tháng anh kiếm được trên 10 triệu đồng. Số tiền này cao hơn gấp nhiều lần so với công việc trước đây anh làm. “Công ty cũng có nhiều chính sách để thu hút tài xế. Ví dụ, nếu tôi gọi được một người về làm cùng thì tôi sẽ nhận được 1 triệu đồng từ công ty và người kia sẽ nhận được 3,5 triệu đồng nếu chạy đủ một trăm chuyến. Ngoài ra, nếu chạy vào giờ cao điểm mà tuyến đường của tôi chạy chưa đủ 30.000 đồng thì công ty sẽ chuyển vào tài khoản số tiền còn thiếu”, anh Minh cho hay.
Về phía khách hàng, chính vì những tiện ích mà xe ôm công nghệ mang lại nên họ đã dần lựa chọn loại hình này. Chị Nguyễn Vân Anh (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên sử dụng dịch vụ hãng Uber cho biết: “Tôi chọn xe ôm công nghệ vì tiện đủ đường: Thao tác tìm kiếm đơn giản, giá hợp lý và rõ ràng. Có hôm tôi nhờ xe ôm công nghệ chở con đi học vì thấy an toàn, tôi quản lý được hành trình và nắm được toàn bộ thông tin của lái xe”.
Bị hành hung là chuyện thường
Đem câu chuyện thời gian gần đây nhiều tài xế công nghệ bị hành hung, ra hỏi, các tài xế xe ôm công nghệ khẳng định, đó là điều “tất yếu” sẽ xảy ra khi họ đang gián tiếp “cướp” miếng ăn của người khác. Lý do chủ yếu là sự chênh lệch lớn về cước vận chuyển, cũng như độ tiện dụng, an toàn. Hơn nữa, thái độ phục vụ của tài xế xe ôm công nghệ cũng hết sức nhẹ nhàng, thân thiện, lịch sự nên phần lớn khách hàng chọn xe ôm công nghệ để di chuyển. Tuy nhiên, nhiều người cũng khuyến cáo rằng các tài xế xe ôm công nghệ không nên “tham” mà “rước họa vào thân”.
Anh Kiều Văn Minh cho biết, các vụ xe ôm công nghệ bị hành hung chủ yếu xảy ra ở khu vực bến xe, bệnh viện. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cước xe ôm công nghệ thấp hơn nên thu hút khách và do xe ôm công nghệ “xâm phạm địa bàn” của xe ôm truyền thống. Anh Minh tâm sự, có lần chở khách đến Bến xe Mỹ Đình, lúc quay về vì chưa có người đặt chuyến nên anh xuống xe tìm một khách vãng lai để chở. Tuy nhiên, vừa mới lân la vào cổng bến thì anh đã bị vài người dọa đánh khiến anh khiếp vía. Sau lần đó, anh Minh rút ra kinh nghiệm là không bao giờ bắt khách vãng lai ở khu vực bến xe. Còn anh Nguyễn Văn Việt, chạy cho hãng xe Uber lại bị ám ảnh bởi những thành phần xấu như nghiện hút, giang hồ… Có lần chạy đêm, khách không đưa đủ số tiền và còn lớn tiếng đe dọa, anh Việt cũng phải đành ngậm ngùi nhìn khách bỏ đi mà không nhận được đồng nào. Hay có lần anh suýt bị giật điện thoại khi vừa chạy xe vừa xem bản đồ. Nhiều tài xế xe ôm công nghệ là nữ lại bị ảnh hưởng bởi những lời chọc ghẹo thái quá của khách, thậm chí nhiều người còn cho biết, họ đã từng bị khách hàng sàm sỡ.

Trả lời phóng viên, đại diện Công ty Grab VN cho biết trong năm 2016 đã xảy ra 65 vụ tài xế xe ôm GrabBike (còn gọi là xe ôm công nghệ) bị tài xế xe ôm “truyền thống” hành hung như hăm dọa và đuổi dánh. Trong đó nhiều nhất là ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất 18 vụ, bến xe An Sương (Hóc Môn) 15 vụ, vòng xoay Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão (Q.1) 10 vụ, đường Lê Hồng Phong (Q.5) 7 vụ… Trong đó, nhiều vụ đã báo cáo công an địa phương xử lý và Công ty Grab VN cũng kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Đến nay xe ôm "công nghệ" có khoảng hơn 20.000 người hoạt động ở TP.HCM.

Theo Đình Việt/Giadinh.net