Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Hậu COVID, Việt Nam nên tìm tòi sản phẩm y tế có bản sắc

Google News

(Kiến Thức) - Tại buổi tọa đàm với chủ đề: "Hậu COVID-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?", Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết toàn bộ chuỗi cung ứng bị đứt gãy trên phạm vi toàn cầu vì dịch. Dù vậy bà cũng lạc quan cho rằng COVID-19 sẽ thúc đẩy việc gia tăng lợi ích.

Khủng hoảng kinh tế 2020 khác xa so với năm 2008

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết nhiều người nói rằng, chu kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới đang quay trở lại sau 12 năm. Lần này khác so với lần trước (2008), không phải từ lý do kinh tế mà từ nguyên nhân y tế là dịch cúm.

Năm 2008, khủng hoảng kinh tế diễn ra tại Mỹ, bắt nguồn từ bong bóng bất động sản, nó phản ánh sự rủi ro của việc đầu tư quá nhiều tại các ngành sản xuất hoặc ngành kinh tế nào đó.

Giờ thì khủng hoảng kinh tế xảy ra từ dịch cúm. Con virus corona đã gây ảnh hưởng tới một loạt lĩnh vực, ngành nghề kinh tế trên toàn cầu. Ví dụ, dịch bệnh đã làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu diễn ra tại Trung Quốc, giờ vì con virus nhỏ bé mà toàn bộ chuỗi cung ứng bị đứt gãy trên phạm vi toàn cầu” – bà Lan cho biết.

Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 liên quan tới lĩnh vực tài chính, và không ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, trong cuộc khủng hoảng 2008 có sự chung tay kiểm soát của giới lãnh đạo của toàn cầu, Mỹ đã chung tay với các tổ chức tài chính toàn cầu để cùng đưa ra giải pháp khắc phục. Nền kinh tế toàn cầu thời kỳ đó được dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng lần này lại diễn ra khi hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ - Trung đã có sự xung đột gay gắt. Giờ đây, thế giới cần có sự hợp tác, trước hết là hai nền kinh tế lớn, sau đó là các nền kinh tế khác, cùng nhau đưa thế giới vượt qua khủng hoảng.

Tuy vậy, bà Lan cho rằng COVID-19 sẽ thúc đẩy việc gia tăng lợi ích. Do tác động của COVID-19, các nền kinh tế đang phải tái cấu trúc lại để tăng lợi ích của mình, xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam để phát triển những ngành tạo ra giá trị gia tăng ở Việt Nam đang tăng lên. Đó là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Trước mắt, xuất khẩu từ Việt Nam sang liên minh châu Âu (EU) có thể bị sụt giảm, không đạt được như kỳ vọng được đặt ra (trước khi có dịch bệnh) mà ta trông chờ vào EVFTA, EVIPA. Thế nhưng, sự sụt giảm này chỉ trong ngắn hạn, về lâu dài sẽ tăng. Lâu nay, xuất khẩu nhiều nhưng 70% là đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chuyen gia kinh te Pham Chi Lan: Hau COVID, Viet Nam nen tim toi san pham y te co ban sac
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. 

Lĩnh vực nào đón nhận cơ hội đầu tư sau COVID-19?

Bà Chi Lan cho biết có ý kiến nêu ra là Việt Nam tiếp tục phát triển lĩnh vực như sản phẩm bảo hộ y tế (khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, găng tay...), dược phẩm cho cả trong nước và xuất khẩu.

Nhiều nước vẫn đang lo lắng giai đoạn 2 của dịch bệnh và có thể kéo dài đến mùa hè sang năm. Nỗi lo lắng về dịch bệnh chỉ có thể chấm dứt khi có vaccine, và vaccine hoàn tất khâu thử nghiệm và tổ chức sản xuất đồng loạt cho người dân. Do đó, cần 1-2 năm nữa mới hình thành được.

Trong khoảng thời gian này, Việt Nam cũng có thể tìm tòi về sản phẩm y tế từ bản sắc riêng của Việt Nam, ví dụ từ những bài thuốc nam truyền thống, nhiều khi rất hiệu quả. Doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến hoạt động xuất khẩu lao động làm việc trong mảng chăm sóc người bệnh, người già cho các thị trường Nhật Bản, Đức...

Đây là những sản phẩm, dịch vụ cần tiếp tục quan tâm cho xuất khẩu, song song đó vừa phát triển dịch vụ trong nước. Hôm 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói, dịch bệnh vẫn phức tạp do đó, vẫn cần tăng cường năng lực y tế.

Tiếp đến là lĩnh vực lương thực thực phẩm, khi Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) vẫn lo ngại nạn đói có thể xảy ra vì dịch cúm và tình trạng biến đổi khí hậu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kỳ vọng vào việc nâng cao chuỗi giá trị ở trung hạn vì có thời gian phát triển để phát triển nội lực. Bà mừng rằng mục tiêu phát triển nội lực đã được các vị lãnh đạo cấp cao nói nhiều và được luật hóa trong các nghị quyết và văn bản pháp luật trong thời gian vừa qua.

Nếu thu hút đầu tư FDI mà nhà đầu tư phải mang hết các thứ vào Việt Nam từ Trung Quốc thì Việt Nam cũng chưa được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.  

Anh Nhi