Chuyện lạ lùng ở “đất sưa” Đồng Kỵ, Bắc Ninh

Google News

Nhắc đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ sưa, không thể không nhắc đến làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Nơi đây từng được xưng danh là "đất sưa", bởi cây sưa được trồng khắp làng.

Thị trường sưa tại Đồng Kỵ
Khảo sát dọc làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), nơi những cơ sở sản xuất, phân phối đồ gỗ “nhiều hơn nấm sau mưa”, từ cơ sở nhỏ tới cửa hàng bề thế, thật khó khăn để tiếp xúc thị trường sưa.
Chị Phượng, chủ một cơ sở sản xuất cho biết: “Hiện giờ, gỗ sưa đã hiếm, mặt hàng gỗ sưa “kén khách” lại càng hiếm hơn. Những khúc to người ta sản xuất thành bàn ghế, sập gụ, có ít cũng giá vài tỷ đồng; còn lại những mẩu nhỏ, khắc thành những bức tượng với giá “nhẹ nhàng” hơn. Nhà tôi cũng chỉ còn sót lại vài khúc nhỏ mua từ hơn chục năm trước, mang ra gia công”. Sau khi bán nốt mấy mặt gỗ sưa, cửa hàng chỉ còn lại một đôi bình và một bức tượng nhỏ gỗ sưa. Nhìn đôi bình gỗ sưa vàng nho nhỏ đã có giá 45 triệu đồng.
Chuyen la lung o “dat sua” Dong Ky, Bac Ninh
Cặp bình gỗ sưa vàng có giá 45 triệu đồng. 
Cũng theo chị Phượng, không cẩn thận, sẽ mua phải sưa giả, do một số thợ có tay nghề có thể sơn màu, vẽ vân và ngâm phủ mùi cho giống gỗ sưa. Trước đây, có tay buôn không có kinh nghiệm, “ôm” phải “lô gỗ sưa đểu”, nhập về, đẽo ra, có một lớp phủ giống sưa mỏng được ép bên ngoài, lõi gỗ bên trong là loại gỗ khác, phá sản phải tự tử.
Tìm vào một cơ sở sản xuất đồ gỗ sang trọng có tên Sao Sáng, không thiếu khách hàng là những đại gia Trung Quốc đang xem đồ. Những “thượng đế” ra quyết định mua một bộ bàn ghế 140 triệu đồng, kèm thêm phí vận chuyển sang Trung Quốc khoảng 30 triệu đồng, chỉ trong mấy phút. Tuy nhiên, trong cửa hàng không hề có sản phẩm nào bằng gỗ sưa.
Chủ cơ sở cho biết: “Bàn ghế bằng gỗ sưa thì nhà chị luôn có sẵn, nhưng không bày bán tại cửa hàng này. Em muốn xem mẫu, chị có thể gửi hình ảnh cho em chọn, rồi chị đưa tới kiểm tra, và vận chuyển hàng”. Chị cho biết thêm, 2 chiếc ghế chạm rồng nhỏ có giá 700 - 800 triệu đồng, một bộ bàn và 4 ghế nhỏ với thiết kế đơn giản đã có giá khoảng 2 tỷ đồng.
Hầu hết các chủ cơ sở tại Đồng Kỵ, khi được hỏi về các sản phẩm từ gỗ sưa đều khẳng định chẳng còn mấy ai sản xuất đồ gỗ sưa. Bởi đây là loại gỗ quý hiếm, có nhập được lô hàng có sẵn, hay nhập gỗ về sản xuất, thì cũng cực kén khách hàng, vì lý do giá thành. Chỉ có các đại gia, hoặc khách từ Trung Quốc có thể đáp ứng mức giá ấy.
Cơ sở của ông Nguyễn Văn Thưởng, thuộc cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Công Thành, khi được hỏi về sản phẩm gỗ sưa, đã bày ra những bức tượng gỗ, có mùi thơm. Tuy nhiên, một người thợ khác lại khẳng định đó không phải gỗ sưa.
Được “chào hàng” những khối hàng gỗ sưa giá trị, cụ thể là những khúc gỗ sưa của “cây sưa trăm tỷ” chùa Vĩnh Phúc (Phụ Chính, Hòa Chính, Chương Mỹ), chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Chính Phượng tỏ ra nghi ngại, từ chối, nhưng sau đó lại ngập ngừng đề nghị, “có hàng alo chị”.
Cơn sốt giá và những câu chuyện phía sau
Gỗ sưa có một giá trị “quý tộc” hơn hẳn so với nhiều loại gỗ khác. Anh Vũ Dậu, chủ một cơ sở kể lại: “Hồi năm 2013, chú tôi đã bán một bộ bàn ghế bằng sưa với giá hơn 200 triệu đồng, tức là gấp hơn 10 lần bộ bàn ghế bằng gỗ khác thời điểm đó”.
Theo anh, cơn sốt gỗ sưa quý bắt đầu xuất hiện từ 2008, trải qua vài năm, giá cả dao động nhưng vẫn giữ mức “khủng”, từ 5 - 7 triệu đồng 1 kg lõi, có khi lên đến 12 triệu đồng.
Bằng trải nghiệm của bản thân qua những chuyến đi Bắc Kinh, anh Vũ Dần lý giải vì sao người Trung Quốc chuộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ sưa. Tâm lý người Trung Quốc đều muốn sử dụng những sản phẩm mang tính “hoàng thất”, trước đây, đồ nội thất bằng gỗ sưa chính là cực phẩm được cống tiến vào hoàng cung. Đồ dùng bằng gỗ sưa được xem như một thước đo vật chất của cuộc sống thượng lưu.
Gỗ sưa thớ mịn, vừa cứng lại vừa dẻo, có “vân núi” rất đẹp lại có mùi hương “quý tộc”. Sưa được biết đến với hai loại chính: sưa bắc và sưa nam. Sưa bắc có màu đỏ hoặc tím, nổi bật và đẹp hơn rất nhiều so với sưa nam, màu trắng hoặc vàng. Giá trị kinh tế của sưa bắc cũng thường cao gấp đôi sưa nam. Phải nhìn tinh mắt để khi mua không bị “hớ”, sưa đỏ và tím có thể cho ra một tuyệt phẩm nghệ thuật, chạm trổ sắc nét, tinh xảo nổi bật hơn nhiều so với sưa vàng hoặc trắng.
Chuyen la lung o “dat sua” Dong Ky, Bac Ninh-Hinh-2
Bức tượng bằng gỗ sưa đỏ quý giá. 
Gỗ sưa có độ bền cực kỳ cao, ngâm trong bùn, trong nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát lại không bay mùi hương, đặt ngoài nắng cũng không hề có vết nứt.
Ngay tại làng, cũng có không ít đại gia buôn săn mua gỗ sưa nhiệt tình, sẵn sàng trả mức giá cao để trở thành chủ nhân của số gỗ quý.
Một ngôi nhà được bày trí với hoàn toàn nội thất bằng gỗ sưa cũng có sinh khí hơn, bước chân vào nhà sẽ ngửi thấy mùi hương thoang thoảng, dịu nhẹ, an thần. Một chiếc tủ quần áo lưu hương thơm từ gỗ sưa sẽ giúp chủ nhân thư thái hơn mỗi ngày.
Anh nhận định: “Giá cả trao đổi mua bán sưa tùy thuộc từng giai đoạn, tùy thuộc điều kiện của cả người bán và người mua để định giá. Thật khó để xác định giá chính xác của một khúc sưa trong thời điểm này. nhưng cũng có lúc, một cây sưa bán được cả hơn trăm tỷ, đã từng có tiền lệ ngay tại làng này”.
Theo anh Dậu, cơn sốt giá của gỗ sưa chỉ góp phần gây thêm bất ổn đối với người dân. Trước đây, sân đền làng Đồng Kỵ có một gốc sưa to, cũng độ trăm tuổi. Thời điểm sốt giá, có người đã trả 120 tỷ đồng, tập thể cộng đồng dân cư lúc ấy đang còn “dư dả”, không ai muốn bán. Một thời gian sau, xuất hiện tình trạng bị cưa trộm, dân quyết định bán thì giá chỉ còn được 60 tỷ đồng. Khuôn viên còn lại nhiều cây sưa nhỏ hơn, được bảo vệ bằng lưới sắt hàn và dây thép gai xung quanh, đôi khi vẫn bị kẻ gian “dòm ngó”.
Theo một số chủ cơ sở buôn gỗ ở đây, giá sưa cao ngất ngưởng và thường bị "sưa tặc" ráo riết cắt trộm, chỉ do trò gạt của thương lái nước ngoài. Họ cho rằng, người nước ngoài tung tin mua gỗ sưa về với nhiều mục đích huyền bí, tâm linh khác nhau, với giá cao, khiến người dân đổ xô chặt cây đem bán. Mỗi ngày họ lại thổi giá lên cao, sau đó thì bí mật chuyển gỗ sang Việt Nam bán cho giới buôn gỗ để hưởng lợi.
Theo Thủy Tiên - Hữu Thắng/Người Đưa Tin